“Điểm cuối của cái nhìn xiên”
Văn hóa - Ngày đăng : 10:19, 25/02/2016
- “Điểm cuối của cái nhìn xiên”, tên cuộc triển lãm có vẻ là lạ. Chị muốn gửi thông điệp gì đến người xem?
- Những tác phẩm này là sự phát triển mới về hình khối, chất liệu và cách diễn đạt, nhưng cũng chính là điểm giao nhau của rất nhiều con đường mà mình đã đi qua trong cuộc đời. Theo thời gian, mình nhìn thấy trước những bước ngoặt của cuộc sống, cũng như những con đường, những hình khối và chu kỳ với một nhận thức rằng mọi yếu tố kia đều khởi nguyên từ một hình, một điểm giản đơn nhưng khi chuyển động, chúng biến thiên và sinh sôi.
- Từ trước đến nay, người yêu tranh của chị đã quen với các tác phẩm sáng tác trên giấy dó, lần này là tranh sơn dầu và một số chất liệu khác. Poong đang theo đuổi điều gì và chất liệu mới có giúp lột tả được những điều muốn nói?
- Triển lãm tranh giấy dó và màu nước quả là hơi nhiều với Poong rồi! Loạt tác phẩm mới là sự kết hợp của nhiều chất liệu: sơn dầu, các mảnh gốm được giữ bằng chỉ thêu, và cả mây tre tự nhiên. Đó là kết quả quá trình suy tư về cách nhìn mới. Mình theo đuổi hai cái nhìn. Một, là cái nhìn hiện hữu, cái hình thực tế đến một điểm có thật; và thứ hai là cái nhìn đến một điểm tưởng tượng, điểm nhìn mà ta muốn hướng tới trong tâm thức, cái đích mà ta tập trung vào. Các bức tranh sơn dầu là một phát triển từ tranh giấy dó của mình thôi...
- Tác phẩm gốm trên toan, rồi đồ đạc, như chiếc giường mây với những chiếc gối nhỏ... Đó có phải là một thể nghiệm mới? Có phải Poong đang có xu hướng chuyển sang các tác phẩm sắp đặt?
- Cái mà bạn gọi là cái giường thì mình muốn gọi là "Tổ", một cái "Tổ" lớn do nghệ nhân dân gian đan. Mình đã đặt họ đan to để trẻ em ẩn náu và chơi đùa. Lần này, mình cómột sê-ri tác phẩm nhỏ bằng gốm dát lá vàng, tựa như những mảnh dấu vân tay nhỏ được giữ trên toan, trông giống con thoi gài trên khung cửi dệt vải ngày xưa của mẹ ở nhà. Chỉ thêu có khi thẳng, có khi xiên, có khi vòng đi vòng lại, như thế chúng sẽ hướng cái nhìn của người xem đến một điểm nào đó. Còn lá, khi rời khỏi cây và rơi xuống, đậu ở bất cứ đâu trong không gian với những tư thế hoàn toàn khác nhau một cách tự nhiên nhất…Thôi, mình gọi chúng là nghệ thuật của đồ đạc, không phải nghệ thuật sắp đặt đâu nhé.
- Các tác phẩm trưng bày lần này thể hiện sự suy tư nhiều hơn, màu sắc cũng được tiết giảm, không rực rỡ, mạnh mẽ như những bức tranh trước đây…
- Từ trước tới giờ, mình vẫn vẽ vậy thôi. Có thể chủ ý trưng bày đã làm bạn thấy có sự “gì đó” đấy chứ! Mình vẽ những bức tranh này đã lâu rồi, nhưng không kết thúc được. Mãi tới một năm gần đây thì mới có thể đặt bút ký tên vào tác phẩm. Suốt mấy năm qua, Poong cũng có nhiều thử nghiệm nhưng chả ra sao cả, nhưng cảm ơn những thứ không đến đâu đó đã dẫn Poong đến niềm hứng khởi mới này!
- Cám ơn chị về cuộc trao đổi!
Nữ họa sĩ Đinh Thị Thắm Poong sinh ra và lớn lên ở vùng cao Lai Châu, trong một gia đình bố là người Mường, mẹ là người Thái trắng. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1993, Thắm Poong đã nhanh chóng tự khẳng định mình, với triển lãm ở nhiều nơi trên thế giới. Tác phẩm của chị có trong bộ sưu tập cố định của Bảo tàng Nghệ thuật Singapore, Bảo tàng Nghệ thuật Asean Fukuoka (Nhật), Bảo tàng Rupertinum (Áo)...