Giảm tình trạng “nhảy việc”
Đời sống - Ngày đăng : 07:13, 25/02/2016
Người lao động gắn bó
Theo báo cáo của Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất (KCN-CX) Hà Nội, đến ngày 15-2 (mùng 8 Tết), gần 100% doanh nghiệp, hơn 98% CNLĐ đã trở lại làm việc bình thường, trong đó Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam, Công ty TNHH Terumo Việt Nam đạt tỷ lệ 100%.
Anh Nguyễn Văn Thanh (30 tuổi, quê Phú Thọ, công nhân Công ty TNHH Toto Việt Nam) cho biết, so với nhiều nơi, CNLĐ công ty anh đi làm sớm hơn (bắt đầu từ mùng 7 Tết) vì có nhiều đơn đặt hàng. Trong những ngày này, công ty có chế độ lương, thưởng hợp lý để NLĐ yên tâm làm việc. Cũng như anh Thanh, chị Lê Thị Thủy (21 tuổi, công nhân Công ty TNHH Chiyoda Intergre Việt Nam) cùng con nhỏ 9 tháng tuổi rời quê (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) lên Hà Nội làm việc đúng lịch. Nhiều công nhân ở xa, ngoại tỉnh cũng kịp thời có mặt dự lễ khai xuân, nhận tiền mừng tuổi đầu năm của công ty. Năm nay, tình hình CNLĐ sau Tết khá ổn định, không có công nhân bỏ việc.
Toàn bộ công nhân của Công ty CP Khóa Việt - Tiệp (huyện Đông Anh) đã trở lại làm việc, dự phát động thi đua đầu năm từ mùng 4 Tết. Năm 2015 vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng công ty đã bảo đảm việc làm, thu nhập, môi trường làm việc an toàn. Điều này khiến NLĐ gắn bó, làm việc với trách nhiệm cao. Đây là cơ sở để năm 2016, công ty đặt mục tiêu nâng thu nhập bình quân 6,8 triệu đồng/người/ tháng. Bên cạnh sự nỗ lực của ban lãnh đạo công ty, NLĐ thấy mình phải cố gắng nhiều hơn, có trách nhiệm đổi mới, sáng tạo trong từng phần việc được giao.
Đơn hàng không trễ hẹn
Một việc làm nức lòng CNLĐ Công ty Canon Việt Nam những ngày đầu năm mới là ban lãnh đạo công ty đã chúc Tết, mừng tuổi hơn 21.500 lao động với tổng số tiền 4,3 tỷ đồng. Không chỉ vậy, trong quá trình làm việc, NLĐ ở đây được tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp quan tâm về điều kiện làm việc, chăm lo đời sống tinh thần, chăm sóc sức khỏe. Chưa kể, từ nhiều năm nay, Canon duy trì việc tổ chức đưa đón khứ hồi công nhân về quê ăn Tết và quay lại làm việc. Bên cạnh đó, các hoạt động như tổ chức đối thoại tại nơi làm việc thường xuyên được tổ chức, góp phần gắn bó NLĐ với doanh nghiệp, xây dựng ý thức cộng sinh cùng phát triển giữa công ty - người lao động - công đoàn. Đây chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Việc công nhân trở lại làm việc đầy đủ ngay sau Tết có lợi cho nhiều phía. Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, có được kết quả hơn 97% CNLĐ quay lại làm việc đúng hạn là do các cấp Công đoàn thành phố đã xây dựng và triển khai từ sớm kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho CNVCLĐ dịp Tết. Trong đó, Công đoàn đã sớm thông báo mức điều chỉnh tiền lương cơ bản, tiền thưởng Tết, tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, trao trợ cấp cho CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức xe ô tô đưa đón CNVCLĐ về quê đón Tết... để CNLĐ yên tâm làm việc, hạn chế tranh chấp lao động và ngừng việc tập thể. Đặc biệt, ngoài tiền thưởng, Công đoàn và doanh nghiệp còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí để động viên NLĐ hăng say sản xuất ngay sau Tết. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn thông báo chính sách lao động trong năm 2016 với chế độ tiền lương và đãi ngộ hấp dẫn như hỗ trợ chỗ ở, xăng xe, hỗ trợ tăng ca, chuyên cần… Vì vậy, nhiều công nhân chọn ở lại doanh nghiệp thay vì "nhảy việc" nhằm tìm kiếm cơ hội khác.
Nguồn lao động không bị thiếu hụt giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất ngay từ đầu năm, các đơn hàng vì thế cũng không bị trễ hẹn. Đây là giải pháp căn bản để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, giúp doanh nghiệp chủ động mở rộng sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phát triển và hội nhập.