Kỳ họp Quốc hội thứ 11 dự kiến khai mạc ngày 21-3
Chính trị - Ngày đăng : 06:49, 25/02/2016
Theo tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11 do Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, kỳ họp lần này chủ yếu tập trung cho công tác tổng kết nhiệm kỳ khóa XIII. Song bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, gồm: Luật Tiếp cận thông tin; Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật Dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).
Đối với dự án Luật Biểu tình, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình vì còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các thành viên Chính phủ. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận: Việc xây dựng dự án Luật Biểu tình đã nhận được ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và nằm trong chương trình kế hoạch xây dựng luật. Như vậy, nếu diễn ra đúng kế hoạch, UBTVQH sẽ xem xét dự án Luật Biểu tình tại phiên họp thứ 46 vào tháng 3 tới, trước khi khai mạc để trình kỳ họp Quốc hội thứ 11.
* Cũng trong sáng qua, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Báo cáo công tác Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2011-2016. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước nhận định, kiểm toán là phương tiện, "vũ khí" của Quốc hội để giám sát tài chính quốc gia. Tuy nhiên, theo ông Phước, hiện có rất nhiều kiến nghị của Kiểm toán chưa được thực hiện triệt để. "Điểm yếu của hoạt động Kiểm toán Nhà nước hiện nay là sự phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc xem xét giải quyết các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước chưa tốt, nên chưa đánh giá được kiến nghị nào đúng, kiến nghị nào chưa phù hợp"- Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phân tích.
Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, trong quá trình kiểm toán đã kiến nghị thu hồi hàng nghìn tỷ đồng, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia, nhưng chủ yếu xử phạt hành chính còn kiến nghị xử lý về mặt hình sự thì hạn chế. "Có địa phương nói với tôi không biết "đất đai màu mỡ" thế nào mà kiểm tra, kiểm toán đến nhiều quá, đoàn này vừa đi đoàn khác về, trong khi đó, địa phương khác không thấy"- Ông Hiện nói.
* Chiều cùng ngày, UBTVQH đã đánh giá về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nhìn lại 5 năm qua, báo cáo nhấn mạnh những kết quả đã đạt được trong điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như, kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; duy trì được tăng trưởng ở mức hợp lý và đạt tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối; thực hiện có kết quả bước đầu các đột phá chiến lược và tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng… Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng nghiêm túc chỉ ra 7 hạn chế, yếu kém trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
Thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nhận định, thành công điển hình của Chính phủ nhiệm kỳ qua là đã ban hành nhiều cơ chế cụ thể để kiểm soát các hoạt động quản lý trong lĩnh vực thuế, hải quan; đồng thời quản lý chặt chi tiêu công, giảm các đoàn đi nước ngoài không cần thiết bằng ngân sách nhà nước. Dù vậy, đến nay một số thủ tục trong hoạt động của Nhà nước còn phức tạp, rườm rà, chồng chéo, bộ máy hành chính nhà nước cồng kềnh... tạo ra nhiều khe hở, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực. Tình trạng lãng phí xảy ra trong một số lĩnh vực mà chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu như, việc xây dựng trụ sở, quảng trường, tượng đài, mua sắm và sử dụng tài sản công không hợp lý.