Bé gái 9 tuổi bị 2 cây đũa đâm xuyên qua lưỡi

Sức khỏe - Ngày đăng : 16:40, 24/02/2016

(HNMO) - Đang cầm đũa ăn cơm ngoài sân thì bé T.T Ngọc Anh (9 tuổi) bị các anh lớn tuổi chơi đá bóng va phải. Cú va chạm khiến cô bé bị 2 chiếc đũa cắm sâu vào lưỡi phải chuyển vào cấp cứu tại bệnh viện Nhi đồng 1.


Bệnh nhân là cháu T.T Ngọc Anh, ngụ tại quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu vào 21h ngày 22-2. Bác sĩ Nguyễn Thế Huy, Phó khoa Tai Mũi Họng, cho biết: “Khi vào nhập viện, bệnh nhân vẫn tỉnh, không mất máu, đôi đũa cắm sâu xuyên qua lưỡi, dò qua lớp da, sắp xuyên xuống dưới hầu. Với vị trí tổn thương này, thì có khả năng đi qua động mạch lớn như động mạch lưỡi, tuyến ngang tai, tuyến dưới hàm, nếu các động mạch lớn tổn thương thì sẽ xuất huyết”. Cháu bé được chuyển đến khoa Tai Mũi Họng để thực hiện phẫu thuật rút bỏ 2 cây đũa ra khỏi miệng cháu bé.

Cháu T.T Ngọc Anh bình phục sau khi lấy 2 cây đũa cắm sâu trong lưỡi.


Ngay trong đêm 22-2, ê kíp các bác sĩ Nhi đồng 1 đã phải tổ chức mổ kỹ thuật để lấy dị vật ra khỏi lưỡi an toàn, mà không gây xuất huyết máu, cũng như tránh ảnh hưởng đến giọng nói của trẻ sau này.

Sau ca phẫu thuật tình trạng của Ngọc Anh ổn định, lưỡi có dấu hiệu nhanh lành vết thương và không ảnh hưởng nhiều đến giọng nói. Theo các bác sĩ, dù 2 cây đũa cắm sâu vào lưỡi cháu bé, nhưng may mắn không xuyên qua các động mạch và mạch máu quan trọng, nên không xảy ra tình trạng xuất huyết trên bàn mổ.

Bác sĩ Nguyễn Thế Huy cho biết thêm: Tình trạng đũa đâm vào miệng trẻ em xảy ra thường xuyên. Mỗi năm bệnh viện Nhi đồng 1 ghi nhận trên 10 ca cấp cứu, nhưng đây gần như là trường hợp đầu tiên cùng lúc 2 cây đũa đâm vào lưỡi của trẻ, mức độ nguy hiểm vì thế cũng tăng lên gấp 2-3 lần.

Sau khi phẫu thuật, cháu Ngọc Anh đã được đặt ống thông vào dạ dày để cho thức ăn, sữa qua đường ống mà không tiếp xúc qua lưỡi nhằm tránh tình trạng nhiễm trùng.

Bác sĩ Nguyễn Thế Huy khuyên tất cả bậc phụ huynh không nên cho trẻ ngậm đũa trong miệng khi ăn, ngậm đũa chơi, và ngậm tăm rất gây nguy hiểm cho trẻ. Phụ huynh cần theo dõi trẻ cho trẻ tiếp xúc với vật nhọn như đũa, tăm xỉa răng, nĩa để tránh các tai nạn thương tâm.

Tuệ Diễm