Ngành Y tế Thủ đô: Làm chủ kỹ thuật cao, phục vụ chu đáo bệnh nhân

Đời sống - Ngày đăng : 07:24, 24/02/2016

(HNM) - Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể khẳng định ngành y tế Hà Nội đã có những bước chuyển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Sự

Bệnh viện Ung bướu Hà Nội triển khai kỹ thuật xạ trị điều biến liều (IMRT) trong điều trị ung thư vòm họng và ung thư tế bào ngoại vi. Ảnh: Tuyết Mai


Mang "cuộc sống mới" cho người bệnh

Sau khi triển khai thành công ca ghép thận vào ngày 28-12-2013, đến nay, BV Đa khoa Xanh Pôn đã thực hiện thành công thêm 10 ca ghép khác. Đó không phải là kỹ thuật cao duy nhất mà BV Xanh Pôn triển khai thành công trong thời gian qua. Giám đốc BV Đa khoa Xanh Pôn Nguyễn Đình Hưng dẫn chứng một số kỹ thuật khó khác như bơm xi măng tạo hình đốt sống, thay khớp vai, diệt hạch thân tạng để giảm đau cho bệnh nhân... đã được thực hiện thường xuyên tại đơn vị. Ông Ngô Văn Nhàn (60 tuổi, ở huyện Đông Anh), bị đau vai phải trong suốt 5 năm, nhưng khoảng một năm trở lại đây, bệnh nặng hơn, khiến việc vận động rất khó khăn. Sau ca phẫu thuật thay khớp thành công tại BV Xanh Pôn, ông Ngô Văn Nhàn đi lại dễ dàng hơn và không bị những cơn đau hành hạ.

Mới đây, BV Ung bướu Hà Nội cũng đã triển khai kỹ thuật xạ trị điều biến liều (IMRT), nhằm nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân ung thư. Giám đốc BV Ung bướu Hà Nội Trần Đăng Khoa cho biết, BV hiện chỉ có 1 máy xạ trị, trung bình mỗi ngày phải điều trị cho 110-120 bệnh nhân (tăng 3 lần so với trước), dẫn đến tình trạng quá tải. Bằng nguồn vốn xã hội hóa, BV đã đầu tư hệ thống máy gia tốc của Hãng Varian (Mỹ) trị giá 35 tỷ đồng và đào tạo đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên để thực hiện kỹ thuật xạ trị IMRT. Ưu điểm vượt trội của kỹ thuật này là giúp tăng khả năng tiêu diệt khối u, giảm tác dụng phụ.

BV Tim Hà Nội là một trong những trung tâm phẫu thuật tim mạch hàng đầu miền Bắc. Theo PGS.TS - Giám đốc Nguyễn Quang Tuấn, BV đã ứng dụng kỹ thuật can thiệp nội mạch để điều trị thành công cho hàng nghìn bệnh nhân mắc bệnh tim mạch. Nhiều kỹ thuật khó đã được thực hiện thường xuyên như cấy máy tạo nhịp, cấy máy phá rung tim, thăm dò điện sinh lý và điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng có tần số radio… Nhiều nước trên thế giới và trong khu vực: Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore… đã cử cán bộ sang BV để học tập, trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật can thiệp nội mạch.

Ngoài ra, còn rất nhiều kỹ thuật cao khác được triển khai thành công tại các BV trên địa bàn Thủ đô, mang lại cuộc sống chất lượng hơn cho người bệnh như kỹ thuật sàng lọc trước, sau sinh tại BV Phụ sản Hà Nội; phẫu thuật cắt đẩy xương hàm điều trị biến dạng xương hàm tại BV Hữu nghị Việt Nam - Cuba; xét nghiệm tìm nhanh vi khuẩn lao MGIT-BACTEC, GeneXpert tại BV Phổi Hà Nội… Bệnh nhân Đặng Văn Minh (64 tuổi, ở Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội) hiện đang điều trị lao kháng thuốc tại BV Phổi Hà Nội cho biết, việc ứng dụng kỹ thuật cao trong công tác khám chữa bệnh giúp giảm thời gian chờ đợi, nhưng lại tăng hiệu quả điều trị.

Trước đây, muốn chẩn đoán bệnh lao cần 2-4 tháng, nhưng với kỹ thuật chẩn đoán nhanh (xét nghiệm GeneXpert) chỉ sau 2 giờ, người bệnh đã biết được mình có mắc lao hay lao kháng thuốc không. "Bên cạnh ứng dụng kỹ thuật cao, các BV của thành phố cũng đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào khám và điều trị nên rất thuận lợi cho người bệnh..." - bệnh nhân Đặng Văn Minh tỏ ra rất hài lòng đánh giá.

Thu hẹp khoảng cách

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, giai đoạn 2011-2015, thành phố đã đầu tư trên 3.068 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị cho 49 dự án tại 37 BV trên địa bàn, nhờ đó, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên rõ rệt. Các cơ sở khám chữa bệnh tuyến thành phố, với 23 chuyên khoa đầu ngành, đã triển khai được nhiều kỹ thuật cao, chất lượng dịch vụ ngang tầm với các BV trung ương cũng như các BV trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, sự chuyển biến đó chưa đồng đều, có sự chênh lệch khá lớn về trình độ chuyên môn giữa các cơ sở y tế tuyến thành phố và tuyến huyện.

Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội đã triển khai có hiệu quả Đề án 1816 về "Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ BV tuyến trên về hỗ trợ các BV tuyến dưới, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh". Nhờ đó, đến nay, 100% BV tuyến huyện của thành phố đã thực hiện thành công kỹ thuật mổ nội soi, giúp người bệnh không phải chuyển tuyến, giảm chi phí khám chữa bệnh, giảm quá tải cho tuyến trên. Ngay BV Đa khoa huyện Phúc Thọ, từng bị đánh giá là đơn vị yếu nhất trong khối BV tuyến huyện của Thủ đô, từ khi nhận được sự hỗ trợ chuyên môn của các BV: Đa khoa Xanh Pôn, Phụ sản Hà Nội, Việt Nam - Cuba, Y học cổ truyền Hà Nội, đã làm chủ được nhiều kỹ thuật cao.

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, trong năm 2015, Sở Y tế đã tăng cường kiểm tra chất lượng BV. Kết quả kiểm tra khẳng định, các BV đã có sự thay đổi tích cực, đặc biệt là BV chuyên khoa hạng 1, hạng 2 và hạng 3 đều đạt các tiêu chí về chất lượng BV… Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại về công tác khám chữa bệnh tại một vài đơn vị do kỹ năng giao tiếp của cán bộ y tế còn hạn chế; sắp xếp buồng, phòng chưa hợp lý; vẫn còn tình trạng người bệnh nằm ghép; công tác kiểm soát nhiễm khuẩn chưa theo các quy trình; chưa triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ trong quản lý khám chữa bệnh…

Trong năm 2016, Sở Y tế tiếp tục thực hiện cải cách hoạt động của khoa khám bệnh, đẩy mạnh đổi mới phong cách, thái độ phục vụ nhằm đem đến sự hài lòng cho người bệnh, đồng thời triển khai các kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng, đề án ghép gan; tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất việc thực hiện quy chế chuyên môn, nhất là các hoạt động triển khai BV vệ tinh, cải cách khoa khám bệnh, tiếp sức người bệnh, giáo dục y đức…

Theo Sở Y tế Hà Nội, với 41 BV khối công lập cùng các trung tâm y tế, trung tâm chuyên khoa, trong năm 2015, toàn ngành đã khám, chữa bệnh cho hơn 5 triệu lượt người (tăng 6,7% so với năm 2014). Công suất sử dụng giường bệnh theo kế hoạch đạt 107,8%, công suất sử dụng giường bệnh thực kê là 89%. Số ngày điều trị trung bình là 10,8, giảm so với năm 2014 (11,3 ngày).

Năm 2015, các BV đã thực hiện gần 130 nghìn ca phẫu thuật; thực hiện các thủ thuật với số lượng tăng 19,7% so với năm 2014; thực hiện hơn 16 triệu ca xét nghiệm sinh hóa, hơn 8 triệu xét nghiệm huyết học, hơn 1 triệu ca chụp Xquang; chạy thận nhân tạo cho gần 59 nghìn trường hợp, thực hiện 125 ca thụ tinh trong ống nghiệm…

Thu Trang