PGS.TSKH Phan Đình Tân: Cần lắp camera tại các lễ hội

Văn hóa - Ngày đăng : 07:17, 24/02/2016

(HNMO) – Trước tình trạng bạo lực của các lễ hội ngày một gia tăng, PGS.TSKH Phan Đình Tân, Chánh văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, sẽ đề nghị lắp camera tại một số lễ hội để ghi lại những hình ảnh phản cảm, từ đó lấy cơ sở để xử lý những cá nhân có hành vi thiếu văn hóa.

PGS-TSKH Phan Đình Tân, phát ngôn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch


* Mùa lễ hội năm nay đã có nhiều dấu hiệu tích cực hơn so với năm ngoái, tuy nhiên vẫn có một số lễ hội để xảy ra tình trạng tranh cướp phản cảm gây nhức nhối trong dư luận. Theo ông, đâu là nguyên nhân của hiện tượng tiêu cực nói trên?

- Thực tế, mùa lễ hội năm Bính Thân đã giảm bớt sự phản cảm, tiêu cực, so với những năm trước, một phần do sự vào cuộc sớm của ban tổ chức khi chuẩn bị chu đáo và bài bản hơn. Một số lễ hội năm ngoái để lại dấu ấn không đẹp thì năm nay đã khắc phục được ví dụ như lễ hội “chém lợn” của làng Ném Thượng (Bắc Ninh), hội Gióng (Đền Sóc, Hà Nội). Tuy nhiên, vẫn còn có một số lễ hội tổ chức chưa thật tốt, để xảy ra tình trạng lộn xộn, tranh cướp, vượt khỏi vòng kiểm soát của BTC như phát ấn đền Trần (Nam Định), lễ hội cướp phết ở Hiền Quan (Phú Thọ) và một số lễ hội khác. Nguyên dân của việc này, một phần là do lượng du khách đến quá đông, ý thức tham gia lễ hội kém và một phần là do sự lúng túng của BTC đã không kiểm soát được tình hình.

Khung cảnh tranh cướp lộc tại đền Trần tối 14 tháng Giêng


* Ở Lễ hội đền Trần, vào tối ngày khai ấn (14 tháng Giêng), tình trạng hỗn loạn, giẫm đạp lên bệ thờ, tranh cướp lộc ở sân đền Thiên Trường mà điều đáng buồn mà theo báo chí ghi nhận được là những người tham gia tranh cướp lộc ấy lại là những người có “thẻ xanh”, tức là những khách mời, những người có địa vị xã hội. Ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?

- Tôi có đọc bài báo có tựa đề là “…quan tranh lộc”, “quan” ở đây là ai? Chúng ta cần phải chỉ rõ, nêu rõ để tránh “vơ đũa cả nắm” khiến cho nhiều người "quan không tranh lộc" bị tổn thương. Chúng ta vẫn hay nói là nâng cao dân trí vậy thì “quan trí” cũng phải cần nâng cao. Những người có chức vụ, công chức, quan chức, có học mà vẫn tham gia hành xử không đúng chuẩn mực thì làm sao nói được người dân.

Tôi đề nghị, báo chí khi đưa ra hiện tượng tiêu cực cần đích danh, cụ thể, ví dụ như thấy xe công đi lễ hội thì chụp hẳn biển số xe lên rồi đưa công khai với công luận. Trong lễ hội đền Trần vừa qua cũng vậy, cần chụp ảnh, quay hình lại rõ những ai tham gia vào việc tranh giành này. Theo ý kiến chủ quan của tôi, nên chăng cần lắp camera ở khu vực phát ấn, ghi lại tất cả hoạt động xin ấn, đi lễ của những khu vực nhạy cảm. Dân nào, “quan” nào tranh giành lộc, có hành vi phản cảm sẽ bị ghi hình, bêu tên trên các phương tiện truyền thông. Chúng ta cứ rõ ràng, rành mạch giống như xử phạt giao thông vậy, ghi hình rồi sau đó phạt nóng, phạt nguội, có lẽ như thế thì mới giảm được việc tranh giành lộc như thời gian vừa qua.

* Rõ ràng, trong cuộc tranh giành lộc vừa qua tại đền Trần và tại một số lễ hội, rất nhiều thanh niên, trí thức, thậm chí có người có địa vị xã hội tham gia, đâu là bản chất của những hành động này, liệu có phải là vì lòng tham, a-dua đám đông hay vì sự mê tín quá mức, thưa ông?

- Ai cũng có lòng tham, và bản chất của từ “tham” không hẳn là xấu. Lòng tham cũng phải chia ra nhiều kiểu, có người tham chính đáng như tham khát vọng vươn lên, tham hiểu biết, tham làm việc nghĩa hiệp còn trong trường hợp nói trên là tham đi ăn cướp của người khác, tham mình phải hơn người khác, thậm chí trù dập người khác.

Mỗi người đến lễ hội với những tâm thế khác nhau. Có người đến lễ hội để tìm sự thanh thản, giao lưu, thưởng thức không gian văn hóa; có người đến vì mục đích thực dụng là để cầu danh, cầu lợi, cầu tài; có người đến vì những uẩn ức của cuộc sống, họ chờ cơ hội để thể hiện những bức xúc, khó chịu trong mình, thậm chí chưa nói đến những lễ hội ở làng xã có những nhóm thanh niên vốn hiềm khích với nhau thì đến lễ hội để tìm cơ hội trả thù, ẩu đả mà những ngày thường không làm được…


Cảnh tranh cướp bạo lực tại Lễ hội cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ)


Nếu người ta đến tâm thế lễ hội với Phật, với Thánh là đến trong lòng thanh thản để giảm trừ tham-sân-si thì mọi lễ hội sẽ diễn rất êm đẹp, văn minh. Nhưng đến với lễ hội vì mục đích thực dụng, vì tham lam cho cái “tôi” thì đã làm biến tướng đi cái đẹp của việc đi lễ rồi. Lễ hội đền Trần với truyền thống khai ấn đầu năm vốn mang ý nghĩa rất đẹp, rất văn hóa thì đã bị biến tướng do một số bộ phận trục lợi thổi phồng ý nghĩa của lễ hội.

Theo tôi được biết, tập tục khai ấn có từ thế kỷ XIII, sau một thời gian gián đoạn do biến cố lịch sử thì đến năm vua Minh Mạng được phục hồi lại. Chiếc ấn của nhà Trần cũng không phải là bản gốc mà được vua Minh Mạng khắc lại với dòng chữ “Trần triều điển cố" - tích phúc vô cương”, từ đó đến nay việc khai ấn trở thành truyền thống hàng năm. Ý nghĩa của cái ấn không phải là cầu lộc, cầu danh mà dòng chữ “Tích phúc vô cương” có ý nghĩa truyền dạy con cháu, bách gia trăm họ phải biết giữ gìn hạnh phúc, tích phúc thật tốt thì được hưởng lộc càng bền vững. Việc sở hữu một tờ ấn là một nét đẹp, với ý nghĩa tưởng nhớ công lao nhà Trần có chiến tích vẻ vang chống giặc ngoại xâm, hơn nữa nó giống như vật kỷ niệm của một kỳ du xuân.

Trên đời này chẳng có gì tự nhiên mà có, không phải cứ có tờ ấn là sẽ thăng quan tiến chức. Thánh thần không phù hộ cho những người lười nhác, càng không bao giờ phù hộ cho những kẻ có tâm địa độc ác, không biết thương giống nòi mà chỉ đi tranh cướp. Nếu như ai cũng hiểu điều đó thì có lẽ việc đi lễ đầu năm đã đẹp hơn rất nhiều.

* Thực tế, có nhiều lễ hội cho phép yếu tố bạo lực bởi bản thân trong một số lễ hội có hoạt động tín ngưỡng lâu đời cho phép việc tranh giành như ở Gióng, hội cướp phết… Bộ VHTT&DL sẽ có biện pháp thế nào để hạn chế được yếu tố bạo lực trong các lễ hội này?

- Không có gì là không thể làm được nếu như ban tổ chức các lễ hội đưa ra quy ước riêng. Theo quan điểm cá nhân tôi, ở lễ hội cướp phết, BTC có thể đưa ra quy định là các làng cử ra bao nhiêu thanh niên, trai tráng tham gia vào việc tranh phết. Số còn lại sẽ đứng ngoài với sự bảo vệ nghiêm ngặt của cơ quan an ninh. Còn ở hội Gióng, năm nay đã có biện pháp tích cực và hiệu quả là không cho mang gậy vào đoàn rước và đã giảm thiểu rất nhiều yếu tố bạo lực. Tại một số lễ hội có yếu tố nhạy cảm, có lượng khách đến đông, BTC nên lắp camera ở những khu vực có thể diễn ra tranh cướp, xô xát, ai vi phạm có thể sẽ bị xử phạt hay phải chịu một hình thức răn đe như bị gửi thông tin, hình ảnh về cho đơn vị công tác chẳng hạn.

* Năm vừa qua lãnh đạo Bộ và các cơ quan quản lý thành lập nhiều đoàn công tác đi kiểm tra trước, trong và sau lễ hội, tuy nhiên, thực tế là đoàn kiểm tra đến thì mọi việc rất tốt đẹp nhưng sau đó lại vẫn có tình trạng hàng quán lộn xộn, đổi tiền lẻ. Có hay không việc “đối phó” trong khâu quản lý, tổ chức lễ hội ở các địa phương thưa ông?

- Năm tới, Bộ sẽ tổ chức nhiều đoàn kiểm tra hơn và sẽ tăng cường đi kiểm tra bất ngờ, đột xuất nhiều hơn nữa để nắm tình hình một cách khách quan hơn.

* Cám ơn ông vì những chia sẻ!

Hoàng Quyên