Để đường dây nóng thực sự “nóng”

Đời sống - Ngày đăng : 07:14, 24/02/2016

(HNM) - Nhiều cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh noi gương lãnh đạo thành phố, đã công bố số đường dây nóng. Liệu đây có phải là giải pháp mới trong cải cách hành chính? Có một thực tế là trước đó, nhiều đường dây nóng đã

Lực lượng Thanh tra giao thông lập biên bản xử lý xe đậu sai sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh qua đường dây nóng.


Vì sao đường dây nóng lại "nguội"?

Sau khi Văn phòng Thành ủy rồi đến UBND TP Hồ Chí Minh công bố đường dây nóng của lãnh đạo nhằm tiếp nhận thông tin phản ánh bức xúc của người dân, hàng loạt sở, ngành thành phố cũng thông báo mở đường dây nóng như: Sở Giao thông - Vận tải (38.222.777), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (08.38292491, hoặc: 0903959929, 08.35553258)…

Thực tế, cung cấp đường dây nóng không phải giải pháp mới. Trước đó, nhiều cơ quan công quyền của thành phố đã có đường dây nóng nhưng chỉ hoạt động được một thời gian ngắn đã "nguội". Đơn cử như Cục Thuế TP Hồ Chí Minh dù tồn tại mục đường dây nóng trên website nhưng không hề có số điện thoại; đường dây nóng: 08.39826371 của Đội Trật tự du lịch tuy có liên lạc được nhưng không cử người hỗ trợ du khách khi gặp sự cố; hay như đường dây nóng: 0967.32.1010 của Bệnh viện Thống Nhất cũng được Bộ Y tế xác nhận đã "nguội"…

Các sở, ngành chưa thống kê được số lượng cuộc gọi, tin nhắn tới đường dây nóng của đơn vị nhưng Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, chỉ sau 2 ngày công bố đường dây nóng của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, đã có 1.200 cuộc gọi và 800 tin nhắn gửi đến. Người nhắn tin, gọi điện với kỳ vọng đích thân Bí thư Thành ủy sẽ trực tiếp giải quyết vấn đề của mình.

Tuy nhiên, cách xử lý thông tin qua đường dây nóng cũng phải theo quy trình xử lý đơn thư tố cáo. Văn phòng Thành ủy chỉ có thể tổng hợp thông tin, chuyển cho lãnh đạo, cơ quan chức năng xử lý theo chức năng, nhiệm vụ. Bà Mai Thị Liên (ngụ Quận 9) cho rằng, phần lớn những vấn đề người dân phản ánh "vượt cấp" thông qua đường dây nóng của lãnh đạo thành phố là do rất bức xúc với chính quyền cơ sở hay cơ quan chức năng. Nên dù có lập nhiều đường dây nóng nhưng các cấp cơ sở không làm tròn trách nhiệm thì đường dây nóng cũng sẽ "nguội".

Vấn đề “gốc” là trách nhiệm

TS Phạm Sanh (nguyên giảng viên Đại học Bách khoa) cho rằng, để đường dây nóng luôn luôn "nóng" thì phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, cần phải có đội ngũ cán bộ đủ năng lực, nhanh nhạy vừa tham mưu vừa giải quyết linh hoạt, thấu đáo các vấn đề. Thứ hai, nên phân tách hệ thống đường dây nóng rõ trên từng lĩnh vực, từ đó tổng hợp chuyển trực tiếp đến người lãnh đạo cao nhất thành phố để có sự chỉ đạo sát sao, giải quyết thấu đáo.

Từng gọi nhiều lần vào đường dây nóng nhưng không hiệu quả, anh Huỳnh Quang Bình (ngụ tại Quận 10) cho rằng, đây chính là biểu hiện của căn bệnh hình thức. Và "gốc" chính là ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ. Nguyên đại biểu HĐND TP Đặng Văn Khoa cho rằng, cần phải có sự đột phá ở khâu tổ chức cán bộ. Tuy nhiên, theo ông Khoa, cũng nên xem đường dây nóng là một trong nhiều giải pháp để thực hiện tốt hơn chức năng của cơ quan công quyền. Đường dây nóng sẽ góp phần phát huy tính dân chủ, phản biện, giám sát của nhân dân đối với chính quyền, giúp chính quyền và nhân dân xích lại gần nhau hơn.

Gia Bảo - Mai Hữu