“Nóng” việc cấp chứng chỉ hành nghề và quản lý thuốc
Đời sống - Ngày đăng : 07:03, 24/02/2016
Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) liệu có kiểm soát được chất lượng và giá thuốc? |
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Luật Dược (sửa đổi) ngày 23-2, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề dược chẳng những phiền hà mà còn tồn tại nhiều lỗ hổng. Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) không đề cập đến sản xuất thuốc thì chưa đạt yêu cầu.
Dễ phát sinh tiêu cực
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai dẫn thực tế cho rằng, về dự thảo Luật Dược (sửa đổi), khá nhiều ý kiến nhất trí với quy trình cấp chứng chỉ hành nghề (CCHN) dược có thời hạn 5 năm. Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban thấy rằng, việc cấp CCHN 5 năm/lần tuy phù hợp với thông lệ quốc tế và giúp quản lý được chất lượng hành nghề, nhưng lại phát sinh thủ tục, chưa phù hợp với xu thế cải cách hành chính hiện nay. Vì vậy, Thường trực Ủy ban trình UBTVQH cho xin ý kiến về hai phương án: Cấp CCHN có thời hạn 5 năm và cấp CCHN dược một lần. Sau đó, luật sẽ thể hiện theo ý kiến đa số ĐBQH.
Cho rằng, dược là một nghề chứ không phải chức vụ có thời hạn, ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu quan điểm thay vì cấp 5 năm một lần như hiện nay, có thể cấp dài hạn và yêu cầu người được cấp phải thường xuyên cập nhật kiến thức, nếu kiểm tra không đáp ứng được yêu cầu sẽ rút giấy phép hành nghề. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cấp chứng chỉ một lần chứ vài năm gọi đến cấp lại một lần sẽ rất phiền hà. Dẫn chứng bằng chính câu chuyện chữa bệnh gai đôi cột sống của mình, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong quá trình chữa bệnh, thầy thuốc đông y chữa 10 ngày là đã ổn định, trong khi ở bệnh viện bắt chụp, chiếu, mổ rất tốn kém. Thế nhưng, trong lĩnh vực đông y, nhiều thầy thuốc ban đầu được cấp CCHN, nhưng sau đó chỉ vì thủ tục hành chính chưa đáp ứng đã bị rút chứng chỉ.
Giải bài toán quản lý giá, thuốc
Ngoài vấn đề tìm giải pháp hạn chế tiêu cực phát sinh trong cấp CCHN dược, giải bài toán quản lý giá, thuốc cũng được UBTVQH đặc biệt lưu tâm. Các ý kiến phát biểu cho rằng, không chỉ nhập khẩu qua đường chính ngạch, dược liệu còn được nhập khẩu vào nước ta qua nhiều đường khác nhau nên cơ quan quản lý nhà nước khó kiểm soát được chất lượng, giá thuốc nhập khẩu. Để bảo đảm chất lượng của dược liệu và sự phát triển của y học cổ truyền, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước đề nghị quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành đối với việc kiểm soát nguồn gốc, giá cả, chất lượng của dược liệu. Theo ông Ksor Phước, trong lĩnh vực này không chỉ có Bộ Y tế chủ trì về quản lý nhà nước, mà cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Công thương trong sản xuất, thậm chí trách nhiệm Bộ NN&PTNT về nguồn gốc nguồn hàng. Luật càng đầy đủ, chi tiết thì việc đưa, đẩy trách nhiệm giữa các bộ, ngành càng bị hạn chế.
Mặt khác, quy định chi tiết về lưu thông phân phối đối với mặt hàng dược sẽ là giải pháp hiệu quả để giải quyết tình trạng loạn giá thuốc. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, người Việt Nam có quyền dùng thuốc tốt nhất. Trong quá trình phân phối thuốc, bác sĩ chỉ làm việc thăm bệnh, chẩn bệnh, kê đơn. Đừng bắt bác sĩ làm ra thuốc, kinh doanh thuốc. "Đã là luật thì cần phải quy định càng chặt chẽ về những vấn đề nêu trên càng tốt. Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) mà không nói đến sản xuất thuốc thì chưa phải là Luật Dược" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn băn khoăn khi hệ thống y dược trong quân đội khá lớn nhưng trong dự thảo Luật Dược (sửa đổi) lại thiếu hẳn những quy định tạo điều kiện cho ngành Y quân đội phát triển, để người dân có điều kiện thụ hưởng những sản phẩm có giá cạnh tranh nhất.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII: Thông qua 100 luật, bộ luật và nhiều nghị quyết quan trọng (HNM) - Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 23-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu của dự thảo Luật Dược (sửa đổi); biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban Dân nguyện. Tiếp đó, UBTVQH thảo luận về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, UBTVQH. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành xuất sắc trọng trách thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 - Hiến pháp của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Cùng với hoạt động lập hiến, hoạt động lập pháp của Quốc hội trong nhiệm kỳ này đạt được kết quả hết sức quan trọng; kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp, tạo nền tảng pháp lý cơ bản cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước trong giai đoạn tới. Quốc hội, UBTVQH đã xem xét, thông qua 100 luật, bộ luật, 10 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về lĩnh vực tư pháp, về lĩnh vực xã hội trên cơ sở bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, hoạt động chất vấn của Quốc hội tiếp tục được đổi mới về chiều sâu, chú trọng về chất lượng. Điểm mới của nhiệm kỳ khóa XIII là tại kỳ họp thứ mười, Quốc hội tiến hành chất vấn trực tiếp những người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII, theo dõi đến cùng việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội của các bộ, ngành. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII cũng đã đánh dấu một dấu mốc lịch sử khi lần đầu tiên Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Hồ Bách |