Châu Á - Thái Bình Dương: Tiềm ẩn nguy cơ xung đột vũ trang

Thế giới - Ngày đăng : 06:57, 24/02/2016

(HNM) - Sau Châu Phi và Trung Đông, có nhiều dấu hiệu cho thấy Châu Á - Thái Bình Dương đang trở thành một điểm nóng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sự ổn định của toàn cầu.

Châu Á - Thái Bình Dương đang bước vào cuộc chạy đua vũ trang quyết liệt.


Nhiều nhà bình luận quốc tế đồng ý với quan điểm cho rằng, thế kỷ XXI là thế kỷ Châu Á. Bởi đây là khu vực tập trung nguồn động lực kinh tế tiềm năng và mạnh mẽ nhất thế giới. Với dân số chiếm khoảng 1/2 thế giới và hiện nay, xuất khẩu của Châu Á - Thái Bình Dương lên tới 30% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu, dự trữ ngoại hối cũng chiếm 2/3 của tổng lượng dự trữ của thế giới. Ngoài ra, Châu Á - Thái Bình Dương còn là khu vực có trữ lượng dầu mỏ, khí đốt rất lớn và tập trung sự trỗi dậy kinh tế của nhiều nước. Chính vì vậy, trong chiến lược quốc gia dành cho thế kỷ XXI, nhiều cường quốc xác định đây là địa bàn quan trọng, do đó nguy cơ cạnh tranh lợi ích, giành giật ảnh hưởng tại khu vực này ngày càng gia tăng.

Công bố của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) mới đây cho thấy, việc mua sắm, trang bị vũ khí tại các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương đang ngày một quy mô và với tốc độ chưa từng có. Những khoản chi khổng lồ cho các loại vũ khí tối tân đang được các nước ra sức bổ sung. Ở một số quốc gia, dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, song ngân sách dành cho quốc phòng vẫn không thuyên giảm.

Trong số 10 nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới 5 năm qua, có đến 6 quốc gia ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm 14% tổng số lượng giao dịch, gấp đôi nước đứng thứ hai là Saudi Arabia và gấp 3 lần Trung Quốc, nước đứng thứ ba. Tạp chí quốc phòng IHS Jane's dự báo, chi tiêu quân sự thường niên của Châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng gần 100 tỷ USD và chạm mốc 533 tỷ USD vào năm 2020, đưa khu vực này trở thành thị trường quân sự lớn nhất thế giới với thị phần hơn 33% vào năm 2025.

Bên cạnh mục đích nâng cấp kho vũ khí, sự mất lòng tin ngày càng tăng trong khu vực đã góp phần tạo ra xu hướng trên. Tại Đông Bắc Á, chương trình hạt nhân của Triều Tiên tiếp tục ám ảnh Hàn Quốc. Một báo cáo gần đây của Trung Quốc ước tính Triều Tiên đang sở hữu khoảng 20 đầu đạn hạt nhân, đồng thời có thể sản xuất đủ lượng uranium để mở rộng gấp đôi kho vũ khí vào năm tới. Trong khi đó ở khu vực Nam Á, Ấn Độ đang dè chừng một Pakistan không ngừng cải tiến vũ khí. Islamabad đã công khai ý định phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật tầm ngắn để răn đe New Delhi. Cùng với đó, những tranh chấp biển đảo tại biển Hoa Đông, Biển Đông... đang làm gia tăng sự nghi kỵ giữa các quốc gia trong khu vực.

Các chuyên gia SIPRI nhận định, trong thời gian tới, việc Trung Quốc tăng cường đầu tư quân sự, xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông với tham vọng mở rộng lãnh thổ bất chấp luật pháp quốc tế là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang tại Châu Á - Thái Bình Dương. Mới đây, Trung Quốc đã triển khai tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và xây nhiều công trình phi pháp tại đây. Theo nhà phân tích Craig Caffrey của IHS Jane's, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên 225 tỷ USD trong năm 2020 so với mức 191 tỷ USD của năm 2015. Trong khi Mỹ tiếp tục đưa chính sách "tái cân bằng" đến Đông Á với sự hỗ trợ của các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Philippines.

Hiện tại, Châu Á - Thái Bình Dương vẫn thiếu các cơ chế hợp tác an ninh đa phương. Do đó, bất kỳ một chuyển động nhỏ nào liên quan tới sự thay đổi cấu trúc an ninh khu vực vào thời điểm nhạy cảm này cũng có thể châm ngòi cho bất ổn, nhất là khi Châu Á - Thái Bình Dương đang trở thành nơi tập trung và phát triển sức mạnh quân sự lớn nhất thế giới. Điều này đặt khu vực trước những thách thức ngày càng tăng về nguy cơ va chạm và xung đột vũ trang.

Phương Quỳnh