Bám sát nguyên tắc, hướng dẫn của luật để triển khai công tác bầu cử

Chính trị - Ngày đăng : 06:25, 24/02/2016

(HNM) - Chiều 23-2, Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội đã họp phiên thứ hai nhằm đánh giá kết quả triển khai công tác bầu cử và thống nhất phương án chia đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đơn vị bầu cử đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016-2021.


UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc dự.

Theo đánh giá của các thành viên Ủy ban Bầu cử thành phố, Hà Nội là một trong những địa phương sớm triển khai công tác bầu cử với tinh thần chủ động, khẩn trương từ thành phố đến cơ sở. Tính đến ngày 17-2, các đơn vị đã hoàn thành tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, bảo đảm về cơ cấu, tính đại diện của các thành phần cao. Với gần 7,5 triệu dân, TP Hà Nội được bầu 30 ĐBQH tại 10 đơn vị bầu cử ĐBQH; bầu 105 đại biểu HĐND thành phố tại 30 đơn vị bầu cử. Như vậy, sẽ có 17 đơn vị được bầu 3 đại biểu, 11 đơn vị bầu 4 đại biểu và 2 đơn vị bầu 5 đại biểu.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, các thành viên Ủy ban Bầu cử thành phố cần bám sát nguyên tắc, hướng dẫn của luật để triển khai công tác bầu cử, thực hiện tốt quy trình lựa chọn, giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị tham gia ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp... 17h ngày 13-3-2016 là thời điểm cuối cùng để người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử nộp hồ sơ tại Ủy ban Bầu cử, nơi mình ứng cử.

Để bầu được những đại biểu thật sự chất lượng, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị MTTQ các cấp cần phát huy tối đa dân chủ trong quá trình hiệp thương. Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi cử tri nhận thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ tham gia bầu cử, phát huy dân chủ trong mạn đàm tiểu sử ứng cử viên, thực hiện nghiêm túc việc đi bầu cử, không bầu thay.

Bảo Vy