Cần sự nỗ lực, quyết tâm lớn
Đời sống - Ngày đăng : 08:12, 23/02/2016
Tra cứu thông tin về quyền sử dụng đất tại thị xã Sơn Tây. Ảnh: Bá Hoạt |
Chính sách mới giúp Hà Nội và nhiều địa phương cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Nhưng, từ văn bản đến thực tế vẫn cần sự nỗ lực và quyết tâm rất lớn.
Chính phủ điện tử - mô hình tất yếu
Làm quen với những TTHC trực tuyến qua mạng từ giữa năm 2015 nên gần đây, khi đăng ký giấy chứng nhận kinh doanh, sở hữu đất, cấp mới hộ chiếu, chị Phạm Thị Thu ở quận Hoàn Kiếm luôn chọn thực hiện dịch vụ công tại nhà. Theo chị Thu, giải pháp này giúp quá trình xử lý hồ sơ được mạch lạc, tuần tự theo quy định, tránh sai sót, rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí, thậm chí tránh được hiện tượng cán bộ, công chức gây "nhũng nhiễu".
Thêm một tin vui đến với người dân bốn thành phố (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng), ngay từ ngày đầu tiên của năm 2016, chu trình cấp giấy khai sinh qua máy và cấp mã số định danh cá nhân được triển khai rất nhanh chóng. Người dân sau khi đăng ký khai sinh cho trẻ vào sổ giấy, cán bộ tư pháp xã nhập thông tin vào phần mềm. Sau khi kiểm tra hai lần, bảo đảm thông tin chính xác, cán bộ sẽ chuyển dữ liệu tới trung tâm của Bộ Tư pháp. Tiếp đó, họ tên, ngày sinh, giới tính, dân tộc, quốc tịch, quê quán, họ tên cha, họ tên mẹ… sẽ được chuyển sang hệ thống cấp số định danh cá nhân của Bộ Công an. Chỉ mất khoảng 5 phút, công dân sẽ nhận được giấy khai sinh, với mã số định danh cá nhân theo suốt cuộc đời.
Lợi ích của việc cấp giấy khai sinh qua máy và cấp mã số định danh cá nhân không chỉ rút ngắn thời gian mà còn giảm giấy tờ tùy thân. Thống kê cho biết, trong 5.400 TTHC hiện hành, có tới 1.600 thủ tục yêu cầu khai thông tin cá nhân. Chỉ tính riêng cấp xã, phường đã có gần 400 loại tờ khai. Chi phí tương ứng cho việc sao chụp, chứng thực các loại giấy tờ để thực hiện các TTHC khoảng 4.780 tỷ đồng/năm.
Với những lợi ích vượt trội, tại bốn địa phương được thí điểm đã có nhiều trường hợp được đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đánh giá: "Việc triển khai thí điểm bước đầu không tránh khỏi trục trặc do cán bộ chưa quen, kỹ năng xử lý chậm. Nhưng, đây quả là "cuộc cách mạng" trong phương thức quản lý dân cư của nước ta. Với nhịp độ giao dịch gần đây, tôi nhận được nhiều tin nhắn chúc mừng thành công bước đầu này. Những vướng mắc hoàn toàn có thể tháo gỡ trong thời gian sớm nhất".
Nhận định về xu hướng giải quyết TTHC trực tuyến, Bộ Tư pháp cho rằng, Hà Nội và nhiều địa phương, bộ, ngành có những bứt phá và sẽ phát triển hơn trong những năm tới. Chính quá trình thực hiện và thông tin tiến độ của các thủ tục liên quan tới dịch vụ hành chính công ngày càng trở nên công khai, thuận tiện hơn chỉ bằng những cú click chuột đã đặt nền móng hình thành chính phủ điện tử trong tương lai, giúp Việt Nam hội nhập nhanh, mạnh hơn.
Vẫn còn những rào cản
Song, các cuộc khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng chỉ ra một số vấn đề đáng lo ngại. Dù cơ chế đã thông thoáng hơn nhưng doanh nghiệp quy mô càng lớn và kinh doanh càng thành công bị thanh tra, kiểm tra về thuế càng nhiều. Đây là một lực cản đáng kể đối với các doanh nghiệp.
Tương tự, theo kết quả tổng hợp của Thanh tra Chính phủ từ năm 2011 đến tháng 7-2015, hoạt động của các cơ quan thanh tra và kiểm toán có 120 cuộc chồng chéo về đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra, kiểm toán, làm lãng phí nguồn nhân lực, gây phiền hà cho cơ quan, đơn vị được thanh tra...
Lắng nghe phản hồi từ cộng đồng, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã ban hành quy trình kiểm tra thuế hướng tới mục tiêu CCHC, tránh gây phiền hà cho người nộp thuế. Theo đó, cơ quan thuế sẽ thực hiện kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế không quá một lần/năm. Nếu kế hoạch kiểm tra của cơ quan thuế cấp dưới chồng chéo với kế hoạch của cấp trên thì thực hiện theo kế hoạch cơ quan cấp trên. Thanh tra Chính phủ cũng đã thống nhất với Kiểm toán Nhà nước về đối tượng, nội dung thanh tra, khi Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thì Kiểm toán Nhà nước không tiến hành và ngược lại. Mới đây nhất, Tổng cục Hải quan chính thức triển khai hệ thống cảng biển quốc tế của cả nước cơ chế "một cửa" quốc gia, tạo thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa…
Dù vậy, việc công bố TTHC của một số bộ, cơ quan ngang bộ còn chậm, làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện công bố, công khai TTHC của các địa phương… Bất cập này có thể do thói quen, cũng có thể vì một số cơ quan không muốn từ bỏ quyền lực và quyền lợi. Nhưng, dù là nguyên nhân gì đi chăng nữa thì những hành động đó cho thấy một điều, quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh CCHC của Chính phủ trong năm 2016 còn không ít gian nan. Từ văn bản đến thực tế, chặng đường khó khăn vẫn ở phía trước, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương để bảo vệ những thành quả đạt được và tiếp tục xử lý hiệu quả mối quan hệ giữa cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh.