Không may mắn nào đến từ tranh cướp, giẫm đạp…
Văn hóa - Ngày đăng : 07:48, 23/02/2016
Thế nhưng, trong số lễ hội lớn vừa diễn ra đã có không ít hình ảnh phi văn hóa. "Bệnh cũ tái phát", có nhà nghiên cứu văn hóa nhận định: Chưa bao giờ tình trạng bạo lực tại các lễ hội lại đáng báo động như hiện nay. Sau những giẫm đạp tại lễ hội cướp phết lấy may ở Bản Giản (Vĩnh Phúc) cách đây vài ngày, là cuộc hỗn chiến ở Hiền Quan (Phú Thọ) và mới đây nhất là chuyện trèo rào, cướp lộc tại lễ hội Đền Trần (Nam Định). Tại Bình Dương, rất nhiều người lại chen lấn để giành giật bốc tro từ bát hương của chùa Bà (TP Thủ Dầu Một) với quan niệm mang về nhà để cầu may.
Câu hỏi đặt ra là: Lãnh đạo địa phương có lường trước được những tình huống như vậy ở các lễ hội hay không? Chắc chắn là có, bởi lẽ việc tổ chức lễ hội đều có kế hoạch, thậm chí nhiều nơi còn tổ chức tọa đàm, hội thảo và chỗ ít thì huy động hàng trăm công an, bảo vệ, thanh niên tình nguyện…, chỗ nhiều có đến hàng nghìn người tham gia giữ trật tự, vậy mà... Như ở lễ hội Đền Trần, có đến 2.000 cảnh sát, bảo vệ, dân quân, nhưng vẫn có người trèo lên cả ban thờ cướp ấn.
Ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 8.000 lễ hội, trong đó 2/3 lễ hội diễn ra trong tháng Giêng. Nói về tình trạng bạo lực đang gia tăng tại các lễ hội, Giáo sư Nguyễn Xuân Kính, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho rằng, ý nghĩa truyền thống tốt đẹp của các lễ hội đầu xuân đang dần bị biến tướng, người đến dự lễ hội không chỉ cầu những điều may mắn tốt lành, mà có tâm lý hơn thua. Anh phải dọn sạch tâm trước khi có ý định mang may mắn về nhà. Còn khi đã hung hăng để tranh cướp bằng được cái lộc ấy thì rõ ràng, nhận thức đã bị hạn hẹp rồi. Chẳng có may mắn nào đến từ sự tranh cướp, giẫm đạp, xô đẩy, đổ máu cả.
Rõ ràng, những hành động phản văn hóa ở một số lễ hội vừa qua đã đi ngược lại với tâm tính hướng thiện, vốn là bản tính rất tốt đẹp của người Việt. Đầu xuân du khách thập phương thường đi cầu an, cầu may… nhưng để rồi buộc phải chứng kiến những cảnh giẫm đạp, cướp phá. Và khi nói về câu chuyện trách nhiệm, thể nào các bên cũng tìm ra được lý do chính đáng để đổ lỗi cho nhau. Bên quản lý thì cho rằng người dân quá mê tín, chưa có ý thức về văn hóa, ý thức về cộng đồng, thiếu kiến thức về văn hóa dân gian… Còn người tham gia lễ hội cũng sẵn sàng chỉ ra hàng loạt yếu kém trong công tác tổ chức của địa phương, của các cơ quan quản lý, mặt trái của cơ chế thị trường.
Như đã nói, nước ta có rất nhiều lễ hội mỗi năm, nhưng không hiểu vì sao đến thời điểm hiện tại, Quy hoạch Lễ hội vẫn đang dừng ở dự thảo (lần thứ ba)? Lễ hội dân gian là một thành tố quan trọng trong di sản văn hóa dân tộc nhưng đang bị biến tướng, bị thương mại hóa và đang mất dần những giá trị nhân văn vốn có. Nếu không nhận thức đúng ý nghĩa tầm quan trọng của lễ hội trong đời sống dân tộc, không có các giải pháp mạnh nhằm ngăn chặn các hành vi phản văn hóa, không thể vun đắp bằng tính nhân văn của cộng đồng và lòng nhân ái, hướng thiện của mỗi người dân.