Thị trường chứng khoán: Vì sao “nóng”, “lạnh” bất thường?
Tài chính - Ngày đăng : 07:46, 23/02/2016
Thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục mất điểm trong những ngày đầu năm Bính Thân. |
So với phiên giao dịch đầu tiên của đầu năm 2016 (ngày 5-1), chỉ số VN-Index đã mất khoảng 20 điểm, còn nếu lùi thời gian lại xuống thời điểm VN-Index giành được mốc 600 điểm (tháng 7-2015), chỉ số VN-Index đã "trượt" quá xa…
600 điểm, đường đi của TTCK tưởng đã dễ dàng và kỳ vọng về "đỉnh" 700 điểm không xa, nhưng trên thực tế đây lại là khoảng cách mà TTCK đã đi suốt 7 tháng nay chưa đến. Khi VN-Index chạm lại ngưỡng 600 điểm sau một thời gian quá dài ở mức 500 điểm, thậm chí là quanh ngưỡng 400 điểm, nhà đầu tư đã "vẽ" ra viễn cảnh về cơ hội có lại 700 điểm trong một thời gian không xa. Thế nhưng, VN-Index chỉ có vài phiên hiếm hoi duy trì được mốc 600 điểm để sau đó liên tiếp lao dốc.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM - một trong những thành viên của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn): "Tôi nhận định kinh tế vĩ mô nội tại của Việt Nam có nhiều điểm sáng và tin rằng yếu tố tâm lý bi quan là nhân tố chính đang làm TTCK giảm điểm sâu. Tuy nhiên, những đợt giảm sâu ngắn hạn sẽ là các cơ hội để tìm kiếm lợi nhuận trong dài hạn". |
Trong các phiên giao dịch từ đầu năm 2016 đến nay, số phiên giảm vẫn lấn át những phiên tăng điểm. Ngay phiên giao dịch đầu tiên của năm 2016 (ngày 5-1), chỉ số VN-Index giảm 4,47 điểm, lùi về 569,94 điểm, HNX-Index mất 1,02 điểm, còn 78,43 điểm. Những phiên giao dịch sau đó, thị trường vẫn liên tiếp bị điều chỉnh giảm, kéo VN-Index lùi sát xuống 520 điểm, HNX-Index loanh quanh 73 điểm. "Cơn lốc" mang tên TTCK Trung Quốc - một trong những nền kinh tế lớn đã khiến TTCK thế giới chao đảo được coi là nguyên nhân tác động mạnh tới thị trường trong nước. Vốn là thị trường khá nhạy cảm với thông tin, TTCK dễ rơi vào tình trạng "nóng, lạnh" thất thường.
Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN), kể từ đầu năm 2016 đến nay, TTCK giảm sâu nhiều phiên liên tiếp, chỉ trong 3 tuần đầu giao dịch, chỉ số VN-Index có 3 phiên tăng điểm nhưng có tới 11 phiên giảm. Ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN đã phải lên tiếng: "Nhà đầu tư đang phản ứng thái quá với những thông tin bên ngoài cũng như chịu tác động bởi các tin đồn thất thiệt.
Thời gian vừa qua, những diễn biến kinh tế và TTCK Trung Quốc đã có những tác động nhất định đến thị trường không chỉ Việt Nam, mà nhiều thị trường lớn trong khu vực cũng như thế giới đều bị ảnh hưởng. Vào thời điểm tháng 8-2015, khi thị trường Trung Quốc đi xuống, đồng nhân dân tệ mất giá, giá dầu trượt dốc, tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng mạnh và tại thời điểm đó, chỉ số VN-Index cũng đã mất 15%. Nhưng sau đó, tâm lý nhà đầu tư đã ổn định trở lại, mức ảnh hưởng chỉ còn khoảng 2%. Nhìn lại những phiên giao dịch vừa qua có thể thấy sự ảnh hưởng về mặt tâm lý trên thị trường quá cao".
Những lời trấn an từ phía cơ quan chức năng đã giúp tâm lý nhà đầu tư bình tâm, song để có thể kéo TTCK đi lên còn cần những yếu tố khách quan khác, đặc biệt là những thông tin lạc quan từ nền kinh tế trong nước.
"Bão" của đồng tiền nhân dân tệ chưa kịp qua đi, "sóng" dầu cùng những thông tin không nhiều lạc quan từ nền kinh tế đứng đầu thế giới Mỹ lại thêm một lần nữa khiến TTCK nghiêng ngả, trong đó không loại trừ TTCK Việt Nam. Mặc dù không đến mức bị "cơn lốc đỏ" của thị trường toàn cầu nhấn chìm, nhưng các chỉ số chứng khoán chính của Việt Nam cũng phải chịu tới 5 phiên giảm trong số 8 phiên giao dịch kể từ đầu tháng 2 đến hết ngày 17-2, VN-Index vẫn loanh quanh con số 540 điểm. Trong phiên giao dịch ngày 18-2, VN-Index có sự hồi phục nhẹ, đưa chỉ số này chạm lại mốc 550 điểm. Song, nếu tính chỉ số VN-Index phiên gần nhất so với phiên đóng cửa của năm 2015, VN-Index đã mất khoảng 40 điểm. Để có thể một lần nữa đạt mức 600 điểm, VN-Index cần có những phiên bứt phá để bổ sung thêm gần 50 điểm.
"Nóng" hay "lạnh", đường đi của TTCK phụ thuộc chính vào phản ứng của giới đầu tư, bởi vậy nhà đầu tư nên bình tĩnh trước những thông tin trái chiều trên thị trường. Nếu tìm hiểu kỹ mã cổ phiếu định đầu tư, nhà đầu tư vẫn có thể có lợi nhuận bất chấp thị trường chung diễn biến thất thường.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22-2, thị trường chứng khoán tăng điểm trên cả 2 sàn. Đóng cửa phiên, chỉ số HNX-Index của sàn Hà Nội có thêm 0,42 điểm, tương đương 0,59%, lên 78,26 điểm. Trên sàn TP Hồ Chí Minh, chỉ số VN-Index tăng 6,68 điểm (1,21%), đạt 560,71 điểm. Tính thanh khoản trên cả 2 sàn đạt mức cao, với gần 210 triệu đơn vị, giá trị gần 3.300 tỷ đồng. |