Hà Nội: Kim ngạch xuất khẩu tăng 4,8%
Kinh tế - Ngày đăng : 11:28, 22/02/2016
Cụ thể, ước tính tháng 2/2016, trị giá xuất khẩu của Hà Nội đạt 818 triệu USD, giảm 4,4% so với tháng trước nhưng tăng 26,8% so với cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu địa phương ước đạt 625 triệu USD, giảm 4,5% và tăng 25,3%. Trong tháng, một số nhóm hàng tăng so với cùng kỳ là nhóm hàng may, dệt (tăng 68,4%), giầy dép các loại và sản phẩm từ da tăng 59,4%, thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh tăng 61%, hàng điện tử tăng 55%.
Hai nhóm hàng giảm là nhóm xăng dầu, giảm 6,6% và nhóm hàng linh kiện máy tính thiết bị ngoại vi giảm 6,4%.
Ước tính 2 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu đạt 1.673 triệu USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 4,6%.
(ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Về nhập khẩu, trị giá nhập khẩu tháng 2 ước đạt 1.927 triệu USD, giảm 4,2% so với tháng 1 nhưng tăng 2% so với cùng kỳ; trong đó nhập khẩu địa phương đạt 832 triệu USD, giảm 4,5% và tăng 2,4%.
Một số mặt hàng nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ là chất dẻo (tăng 9,3%), xăng dầu (gần gần 24%)…Mặt hàng giảm so với cùng kỳ có phân bón (giảm hơn 13%), hóa chất (giảm 9,4%)… ước tính kim ngạch nhập khẩu 2 tháng đầu năm nay đạt 3.940 triệu USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ, trong đó nhập khẩu địa phương tăng 0,1%.
Thị trường Tết Bính Thân 2016 lượng hàng khá dồi dào, giá bán một số nhóm hàng phục vụ Tết tăng so với ngày thương nhưng do các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã có kế hoạch chuẩn bị sẵn nguồn hàng nên không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, giá tăng đột biến.
Không xảy ra hiện tượng thiếu hàng dịp Tết
Ước tính tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tháng Hai đạt 167.775 tỷ đồng, giảm 2,5% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 39.007 tỷ đồng, giảm 1,9 % và tăng 4,1% (thương nghiệp giảm 4,3%; dịch vụ tăng 1,1% so tháng trước).
Tết Nguyên đán năm nay rơi vào thời điểm cuối tháng Một, đầu tháng Hai. Tại hệ thống siêu thị, ngay từ đầu tháng 1/2016, các đơn vị đã tăng cường thêm lượng hàng hóa tại các điểm bán từ 15-20% để phục vụ nhu cầu sắm tết của người dân. Trước ngày 23 tháng Chạp sức mua chưa tăng cao, từ ngày 24 -26 tháng Chạp, tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại... lượng khách đến mua đông hơn ngày thường, sức mua tăng từ 15 -20%. Ngày 27 -28 Tết là thời gian cao điểm của đợt mua sắm do bắt đầu bước vào kỳ nghỉ Tết, sức mua tăng khoảng 30% so ngày thường. Đến ngày 29 tháng Chạp, lượng khách mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích giảm, người dân tập trung mua sắm mặt hàng thực phẩm tươi sống, các loại hoa quả tại các chợ. Ngày 1 và ngày 2 tháng Giêng số lượng chợ hoạt động ít, nhân dân chủ yếu tập trung đi lễ, chúc tết nên thị trường trầm lắng, không có biến động. Từ ngày 3 tháng Giêng, một số chợ, siêu thị và cửa hàng tiện ích bắt đầu hoạt động trở lại, tuy nhiên lượng khách mua sắm không nhiều.
Ước tính tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ 2 tháng đầu năm đạt 339.849 tỷ đồng, tăng 9,7% so cùng kỳ, trong đó tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 78.788 tỷ đồng tăng 9,3%. Chia theo thành phần kinh tế, trong tổng mức bán ra từ kinh tế nhà nước ước tính đạt 98.291 tỷ đồng tăng 9% so cùng kỳ, kinh tế ngoài nhà nước 225. 259 tỷ đồng,tăng 10% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 16.299 tỷ đồng, tăng 9,5%