Niềm yêu giữ nhịp trống quân

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:15, 22/02/2016

(HNM) -

Một buổi tập của Câu lạc bộ Trống quân Khánh Hà.


Vật vã trong cơ chế thị trường, trống quân mai một ở không ít làng quê, nhưng với cách gìn giữ không thể mộc mạc và hiệu quả hơn, người già truyền cho người trẻ, cha mẹ dạy lại con cái…, điệu hát dân gian vẫn như một mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn nhiều thế hệ người dân Khánh Hà.

Chuyện những người giữ nhịp…

Buổi sáng chạm cổng làng, chỉ cần hỏi một người dân là tôi đến được nhà cụ Nguyễn Thị Vẫy. Một nếp nhà xinh xắn nằm trong con ngõ nhỏ thuộc thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà. Trò chuyện cùng tôi là một cụ bà có thân hình thấp nhỏ, lưng còng nhưng đặc biệt nhanh nhẹn. Câu chuyện của người từng chứng kiến những thăng trầm của trống quân, những buồn, vui, nỗi niềm của người dốc lòng giữ gìn di sản có một sức hút lạ kỳ!

Chuyện kể, trống quân ra đời trong một lần vua Quang Trung dẫn quân ra trận. Để đường hành quân bớt mệt nhọc, Nhà vua đã tạo ra một điệu hát mới, cho quân sĩ giả làm đôi nam, nữ đối cùng nhau. Không có nhạc cụ, ông ra lệnh đào hố, dùng mâm đậy lên, tay vỗ vào bề mặt, tạo tiếng vang rồi đặt tên là trống quân. Lối hát ấy làm quân gia phấn chấn, quyết đánh và làm nên những võ công bất hủ. Về sau, điệu hát được truyền bá rộng rãi trong dân gian, xuất hiện nhiều biến thể phù hợp với mỗi vùng, miền nhưng vẫn giữ được tên gọi gốc của nó. Lời hát cũng được ghép vần theo từng giai điệu của kiểu hát đối, hát ví, hát vận… một cách ngẫu hứng, tự nhiên nhưng vẫn giữ được vẹn nguyên nét dí dỏm của người nông dân. Hát ngẫu hứng, chủ đề không bị hạn chế, những đêm hát trống quân thường được bắt đầu khi việc nhà nông đã nhàn rỗi. Trong làng, ngoài ngõ nam thanh, nữ tú í ới gọi nhau vào hội.

Cụ Nguyễn Thị Vẫy đã ngoài 80 tuổi, vẫn nhớ như in những lần theo chúng bạn đi hát đối với các làng bên sông ở cái thời mười tám, đôi mươi. Ngày ấy, không chỉ riêng Khánh Hà mà các xã lận cận như: Nhị Khê, Hòa Bình, Dũng Tiến, Nghiêm Xuyên… cũng phổ biến loại hình ca hát này. Những câu hát đối chất chứa trí tuệ, ăm ắp cảm xúc lan tỏa khắp nơi sân đình, xóm ngõ. Nhiều lời hát trống quân được sưu tầm, bày bán tại các buổi chợ phiên. Không cần hẹn trước, những đêm hát luôn diễn ra xôm tụ với sự tham gia của thanh niên, nam nữ, những người đã có gia đình thì nhiệt tình "gà bài" cho hội hát trong tiếng cười hào sảng của người già. Cứ thế trống quân Khánh Hà tồn tại với một sức sống mãnh liệt!

Tuy vậy, trong muôn nỗi thăng trầm, cũng có thời điểm trống quân ở Khánh Hà tưởng như đã rơi vào quên lãng. Đoạn Sông Nhuệ chảy qua địa phương, vốn là điểm hẹn để trai gái các làng, xã quanh vùng chèo thuyền tụ về hát đối, ô nhiễm tới mức người ta "không thể thở" mỗi lúc lại gần. Lớp người biết về trống quân thưa vắng dần cộng thêm sự dửng dưng của người trẻ, cứ thế điệu hát trống quân ngủ trong ký ức của người Khánh Hà.

Cụ Nguyễn Thị Vẫy nhớ lại: Khoảng năm 2005, cụ Tốn, làng Khánh Vân (Nghệ nhân Tô Thị Tốn, đã mất - pv), bỗng dưng gợi lại chuyện hát trống quân khi xưa, năm lần, bảy lượt tìm gặp cán bộ xã, đòi bảo tồn, khôi phục cho bằng được. Sau này người ta mới biết, động lực khiến cụ Tốn sốt sắng "vận động ngược" lại chính quyền là vì có nhà báo ở tỉnh về thăm, hỏi chuyện. Việc ấy như chạm vào nỗi niềm của người dân Khánh Hà, đánh thức những gì bấy nay ngủ quên. Lớp người già trong làng, những người biết về trống quân, như cụ Nguyễn Thị Vẫy, Tô Thị Tốn, Lê Văn Trường… dốc lòng vận động con em trong nhà, trong họ tham gia học hát, thành lập câu lạc bộ, với tâm niệm: "Không phải nơi nào cũng có vốn văn hóa cổ như quê hương mình. Giữ gìn trống quân chính là giữ dấu ấn đặc sắc khiến Khánh Hà không lẫn với bất kỳ nơi nào khác".

...và niềm đam mê bất tận

Từ những ngày rét mướt nhất trong năm, cụ Vẫy đã giục Chủ nhiệm CLB Trống quân - ông Nguyễn Mạnh Tươi, "thiết kế" hội hát để ra Giêng mở hội. Cụ bảo: "Dạy cho người trẻ hát được thì cũng cần phải có hội cho họ diễn, có không gian cho họ hiểu trống quân thực sự là thế nào. Có vậy mới nuôi được tình cảm mà tiếp nối truyền thống. Nhiều đêm tôi nằm nghĩ, lo mà không ngủ được. Cụ Tốn mất rồi, ông Trường cũng yếu, không tham gia được nữa. Người biết trống quân còn lại là bao đâu".

Trách nhiệm với quê hương và niềm say mê với điệu hát dân gian đã giúp cụ Vẫy, suốt hơn 10 năm bền bỉ với việc làng, việc xã, đứng lớp truyền dạy trống quân cho các thành viên trong câu lạc bộ. Không biết chữ, cụ "dụ" cháu nội ôm vở theo sau, "bà nhớ ra câu nào, cháu ghi lại câu đó" như một cách tổng hợp tư liệu cho lớp học. Tuổi cao, không ít lần ốm, mệt, người nhà xót ruột, cấm cản, nhưng cụ vẫn: "Kệ. Khỏe thì mình lại đi chứ. Không thì bỏ cho ai". Cuốn theo sự nhiệt thành của lớp người cao tuổi trong làng, ông Nguyễn Mạnh Tươi, lúc bấy giờ là cán bộ văn hóa xã, không chỉ tham gia học hát mà còn mạnh dạn gõ cửa Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam nhiều lần để xin kinh phí sắm đạo cụ, trang phục, mở lớp bảo tồn vốn cổ. Giá trị văn hóa hiện hữu trong làn điệu trống quân cùng sự tận tâm của người cán bộ văn hóa cuối cùng đã thuyết phục được những người có trách nhiệm. Các lớp học được mở ra với sự góp mặt của cả người già và trẻ nhỏ, luôn đầy ắp niềm vui, sự hào hứng. Cứ thế, trống quân ở Khánh Hà được phục dựng như những gì vốn có.

Hiện nay, số người hát được trống quân ở Khánh Hà cũng như tham gia đều đặn hoạt động của CLB đã lên tới con số hàng chục. Dù không còn kinh phí hoạt động, nhưng không vì thế mà trống quân ở đây lơi nhịp. Trống quân Khánh Hà thường xuyên giành các giải thưởng cao tại các hội diễn dân ca, dân vũ, hội diễn văn nghệ không chuyên… Bằng sự hồn nhiên, trong trẻo, những di sản văn hóa, được sinh ra từ đồng ruộng tiếp tục được người nông dân thuần phác gìn giữ, trao truyền như thế! Về mong ước với trống quân quê hương, Chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Tươi thổ lộ: "Mơ các nghệ nhân được mạnh khỏe mãi. Mong trống quân tiếp tục được gìn giữ, trao truyền lại cho nhiều người hơn. Mong có kinh phí, có phương hướng bài bản để duy trì, tiếp nối di sản một cách trọn vẹn!".

Chẳng ai đi đong đếm công sức bỏ ra cho những điều tâm huyết. Ngồi bên cụ Vẫy trong căn phòng đơn sơ, chứng kiến cụ cất giọng say sưa "mưa lâm thâm ướt đầm hoa súng, anh chỉ thương nàng cắp thúng theo anh" rồi bất chợt: "Còn chưa hay như bình thường đâu vì tôi vừa ốm dậy nếu không là chị biết tay rồi!", tôi thầm mong sẽ trở thành một thành viên trong lớp học trống quân này, để có thể cảm nhận nhiều hơn nữa niềm hạnh phúc lan tỏa từ những người truyền lửa đáng quý hay đơn giản là còn tiếp tục được nghe cụ Vẫy dọa "cho biết tay" với niềm yêu nghệ thuật không giấu nổi ấy!

Thanh Thủy