Cần cơ chế phù hợp và xúc tiến thương mại
Kinh tế - Ngày đăng : 05:58, 22/02/2016
Nhật Tân vừa được công nhận là làng nghề trồng đào truyền thống. Ảnh: Nhật Nam |
Ông Chu Văn Hồng có thâm niên hàng chục năm trồng đào ở phường Nhật Tân (Tây Hồ) cho biết: Nơi này có 92ha đất nông nghiệp thì diện tích trồng hoa đào là 57ha. Với nghề trồng đào, đời sống người dân ngày càng khấm khá, không còn hộ nghèo. Phấn khởi hơn, Nhật Tân (Tây Hồ) vừa được UBND TP Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống.
Ngoài làng nghề trồng đào Nhật Tân, thành phố công nhận thêm 4 làng nghề truyền thống (Mộc ở thôn Ngô Sài, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai; chế biến chè thôn Phú Yên, xã Yên Bài, huyện Ba Vì; điêu khắc đá thôn Long Châu Miếu, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ và làm giày dép thôn Thần, xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa). UBND thành phố cũng đã công nhận danh hiệu nghệ nhân cho 30 người và 36 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Qua đó, nâng tổng số làng nghề được công nhận lên 292 làng và 214 nghệ nhân. Ông Nguyễn Danh Sơn, làng nghề điêu khắc tạc tượng Sơn Đồng (Hoài Đức) cho biết, việc thành phố phong tặng nghệ nhân là niềm vinh dự, động viên kịp thời để người dân làng nghề nỗ lực, cống hiến nhiều hơn nữa phát huy tinh thần sáng tạo trong sản xuất để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao.
Bằng nỗ lực của các cấp, các ngành và người dân Hà Nội, kinh tế làng nghề đã từng bước được "vực dậy", song do những nguyên nhân cố hữu nên vẫn còn không ít vấn đề. Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng, Hà Nội hiện có 1.350 làng có nghề, thu hút khoảng 750.000 lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân 35 triệu đồng/người/năm. Tại các huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Thanh Trì, Đan Phượng, Hà Đông... đạt trên 40 triệu đồng/người/năm.
Năm 2015, giá trị sản xuất của làng nghề ước đạt 15.000 tỷ đồng. Hầu hết các cơ sở sản xuất làng nghề nằm trong khu dân cư, vì vậy việc thu gom và xử lý chất thải luôn là vấn đề nan giải. Tại các làng nghề, hệ thống thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Đáng nói hơn, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, sản phẩm của các làng nghề Hà Nội thiếu sức cạnh tranh; mẫu mã kém so với các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc…
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt, làng nghề có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, nhất là với 62% dân số sinh sống ở nông thôn và hơn một triệu lao động làm nông nghiệp. Nếu chậm phát triển ngành nghề nông thôn, không thể nâng cao thu nhập cho nông dân. Do vậy, các sở, ngành liên quan của thành phố dứt khoát phải chú trọng phát triển làng nghề gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn. Để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm làng nghề, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt cho rằng, các sở, ngành cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, nghiên cứu đề xuất với thành phố ban hành cơ chế, chính sách phù hợp...