Vụ lừa đảo ở Công ty Liên kết Việt: Vì sao nhiều người sập bẫy?

Pháp luật - Ngày đăng : 06:01, 21/02/2016

(HNM) - Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố bị can và bắt tạm giam Lê Xuân Giang (trú tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên kết Việt) và Nguyễn Thị Thủy (trú tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên kết Việt về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

5 đối tượng khác cũng bị khởi tố về tội danh trên. Nhìn lại quá trình hoạt động của doanh nghiệp này, nhiều người không khỏi giật mình trước việc các đối tượng dễ dàng kiếm hàng nghìn tỷ đồng từ việc buôn bán niềm tin của những nhà đầu tư nhẹ dạ…

Lừa đảo gần 2.000 tỷ đồng

Đầu năm 2014, Công ty Liên kết Việt do Lê Xuân Giang đứng đầu được cơ quan chức năng cho phép kinh doanh hàng đa cấp gồm một số sản phẩm thực phẩm chức năng, máy làm sạch (khử độc Ozone), máy hỗ trợ sức khỏe. Các sản phẩm này được Liên kết Việt quảng cáo là sản phẩm của Công ty cổ phần Tập đoàn thiết bị y tế BQP và Công ty cổ phần Biovaccine Việt Nam. Liên kết Việt nói với nhà đầu tư các công ty này thuộc Bộ Quốc phòng, nhưng thực chất Tập đoàn BQP do Giang lập ra và không có sự liên hệ với Bộ Quốc phòng. Chữ BQP trong tên của doanh nghiệp này hiện vẫn chưa được làm rõ…

Kinh doanh đa cấp, mỗi cá nhân tham gia vào chuỗi bán hàng của Liên kết Việt phải nộp tối thiểu 8,6 triệu đồng để được quyền mua một mã hàng gồm 1 máy làm sạch và 4 loại thực phẩm chức năng với lời hứa hẹn sau 5 năm sẽ được hưởng 449 triệu đồng tiền hoa hồng, lãi, thưởng. Liên kết Việt còn những gói mã bán hàng khác có giá trị từ 86 triệu đồng; 172 triệu đồng... đến 9,3 tỷ đồng. Mua gói sản phẩm có giá trị cao, khách hàng càng được hứa hẹn có hoa hồng cao (có thể lên đến 65%, được thưởng ô tô, nhà và nhiều quyền lợi khác). Nếu mời thêm một người tham gia, cá nhân trong chuỗi kinh doanh được trả hoa hồng 8% và mời càng nhiều người tham gia, số tiền hoa hồng càng lớn hơn. Thực tế cho thấy, Liên kết Việt không quan tâm đến việc bán những mặt hàng cụ thể, "doanh thu" chính chảy vào túi Lê Xuân Giang và đồng bọn là tiền cá nhân bỏ ra để mua "quyền" bán hàng. Tâm lý của mỗi người bỏ tiền mua mã hàng là nhanh chóng được trả lãi, do vậy họ đã làm mọi cách để giới thiệu người khác tham gia hệ thống để hưởng hoa hồng.

Với phương thức kinh doanh đã nêu trên, từ đầu năm 2014 đến tháng 7-2015, Giang, Thủy cùng đồng bọn đã thu về gần 2.000 tỷ đồng. Trong quá trình kinh doanh, ban đầu các cá nhân tham gia hệ thống đa cấp này được nhận tiền hoa hồng. Nhưng vì thực chất không hoạt động kinh doanh sản xuất mà chỉ lấy tiền người sau trả người trước nên tới tháng 9-2015, Liên kết Việt không còn khả năng chi trả số tiền hoa hồng với lãi suất "trong mơ" nên âm thầm đóng cửa. Hàng nghìn "đối tác" của Liên kết Việt tan giấc mộng giàu, đồng thời rơi vào tình trạng không có khả năng đòi được vốn gốc đã góp mua "quyền" bán hàng (đến khi đóng cửa, Liên kết Việt chỉ còn hơn 45 tỷ đồng trong tài khoản).

Chân tướng đã rõ, nhiều câu hỏi còn chưa rõ

Để thu hút nhiều người tham gia hoạt động kinh doanh đa cấp, Lê Xuân Giang đánh lừa những người mờ mắt bởi lợi nhuận về xuất xứ sản phẩm. Bằng cách lập lờ cơ quan chủ quản của Tập đoàn Thiết bị y tế BQP, Liên kết Việt lừa nhà phân phối của mình rằng đây là sản phẩm do Bộ Quốc phòng và các đơn vị trực thuộc sản xuất. Còn về việc tiêu thụ sản phẩm, Giang úp mở về sự bảo trợ của cơ quan nhà nước, từ đó tạo niềm tin cho các cá nhân mua quyền bán hàng của Liên kết Việt.

Để mở rộng nhanh chóng hệ thống đa cấp trong quá trình đi thuyết giảng phát triển thị trường, Liên kết Việt đã sử dụng những hình ảnh giả, danh hiệu giả để đánh bóng vị thế. Trên trang web của Liên kết Việt ít thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng lại tràn ngập hình ảnh lễ tân một cách có dụng ý. Thậm chí, Lê Xuân Giang còn liều lĩnh tạo dựng ra cả một Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng cho công ty rồi tổ chức lễ đón nhận rầm rộ. Đến nay, nhiều cơ quan chức năng đã phủ nhận việc có liên quan đến Công ty Liên kết Việt…

Với những thủ đoạn nêu trên, Liên kết Việt đã đánh trúng tâm lý hám lợi của hàng chục nghìn người, thu về hàng nghìn tỷ đồng. Từ đây có thể đặt rất nhiều câu hỏi mà rồi đây các cơ quan chức năng cần phải làm rõ: Vì đâu những "màn kịch" do Liên kết Việt dựng lên, quảng bá, khuếch trương rầm rộ không được phát hiện? Quá trình kinh doanh, công ty này cũng đã có hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong kinh doanh đa cấp, như: Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; hoặc cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người nhẹ dạ tham gia mạng lưới bán hàng này; cung cấp thông tin gian dối... Những người hám lợi bị bịt mắt đã đành, vì đâu các cơ quan quản lý cũng không phát hiện ngăn chặn những sai phạm này? Và vì sao chỉ đến khi những người đã đóng tiền cho Lê Xuân Giang và đồng bọn không còn chi lãi và hơn nữa tố cáo với cơ quan Công an, Liên kết Việt mới lộ chân tướng?…

Tư Đô