Sẵn sàng cho ngày hội lớn của toàn dân
Xã hội - Ngày đăng : 06:00, 21/02/2016
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh, để cuộc bầu cử thắng lợi, đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Với chức năng của mình, MTTQ các cấp đã, đang nỗ lực góp phần thực hiện công tác chuẩn bị để cuộc bầu cử bảo đảm dân chủ, bình đẳng, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân.
Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội. |
Chủ động triển khai công tác bầu cử
- Ông đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị bầu cử của Hà Nội trong thời gian qua?
- Cuộc bầu cử được tổ chức vào thời điểm sau thành công của đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là thành công của Đại hội lần thứ XII của Đảng. Đảng bộ Thủ đô đang nỗ lực triển khai và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố và Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Tôi cảm nhận rõ, nhân dân nói chung và hệ thống MTTQ các cấp thành phố nói riêng rất phấn khởi. Tôi cũng nhận thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cơ quan từ Trung ương đến thành phố, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc hết sức chủ động, bám sát chức năng, nhiệm vụ trong triển khai công tác bầu cử. Đơn cử, ngày 15-1, Thành ủy Hà Nội đã ban hành chỉ thị về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp của TP Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021. Với tinh thần chủ động, tích cực của MTTQ thành phố, toàn bộ hệ thống MTTQ các cấp đã tổ chức quán triệt triển khai công tác bầu cử tới thường trực Mặt trận các quận, huyện, thị, các tổ chức thành viên, tổ chức chính trị nghề nghiệp để triển khai kế hoạch của thành phố. Chúng tôi ấn định rõ những việc MTTQ quận, huyện, thị xã, cơ sở phải làm, thời gian, tiến độ triển khai công tác bầu cử theo quy định của luật. Cùng đó, MTTQ đã tổ chức 3 lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban MTTQ của 584 xã, phường, thị trấn, đồng thời trao đổi, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai.
- Nét nổi bật trong công tác chuẩn bị bầu cử đến thời điểm này là gì, thưa ông?
- Công tác bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp được Ủy ban MTTQ TP Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm, hết sức quan trọng, đồng thời Hà Nội có số lượng cử tri đông nhất cả nước. Vì vậy, Ủy ban MTTQ các cấp cần những giải pháp cụ thể để cuộc bầu cử đạt kết quả cao, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân. Có thể nói, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước triển khai sớm công tác chuẩn bị bầu cử với việc thành lập Ủy ban Bầu cử từ thành phố đến cơ sở; các tổ chức phụ trách bầu cử và tiến hành tập huấn cho cán bộ trực tiếp tham gia một cách chu đáo, hiệu quả. Hà Nội cũng đã chủ động tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai công tác lãnh đạo bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Các thành viên Ủy ban Bầu cử thành phố thường xuyên theo dõi, kiểm tra công tác bầu cử tại các quận, huyện, thị xã nhằm kịp thời phát hiện và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở. Có thể nói, đây là thành công bước đầu và có ý nghĩa quan trọng trong quá trình chuẩn bị bầu cử của Hà Nội tính đến thời điểm này.
Tuyên truyền đóng vai trò quyết định
- Kinh nghiệm cho thấy, nếu có biện pháp tuyên truyền hiệu quả sẽ giúp các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về cuộc bầu cử và chuẩn bị tâm thế sẵn sàng tham gia bầu cử, bảo đảm tỷ lệ cử tri đi bầu cao, bầu đủ số đại biểu được bầu. Kỳ này, thành phố nói chung, MTTQ nói riêng chú trọng hình thức tuyên truyền nào, thưa ông?
- Chúng tôi đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, đặc biệt chú trọng tuyên truyền sao cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân thống nhất cả về nhận thức và hành động; động viên nhân dân phát huy và nêu cao tinh thần làm chủ, thực hiện quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong nhiệm vụ xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân. Ngoài ra, thành phố chỉ đạo tăng thời lượng tuyên truyền của các đài truyền thanh xã, phường, thị trấn; lồng ghép với các buổi sinh hoạt ở thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư… những nội dung cụ thể, giúp các tầng lớp nhân dân hiểu rõ về cuộc bầu cử và chuẩn bị sẵn sàng đi bầu cử. Công tác nắm bắt tình hình dư luận, kiến nghị với các cơ sở Đảng, chính quyền cũng được đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh để kịp thời có những định hướng cho cơ sở.
- Thông qua công tác tập huấn, ông thấy có vấn đề gì cần quan tâm trong việc tổ chức bầu cử?
- Ủy ban MTTQ thành phố đã tổ chức tập huấn cho 30 quận, huyện, thị xã với nhiều nội dung liên quan đến công tác bầu cử, những thắc mắc về công tác hiệp thương, nhân sự, tiếp công dân được làm rõ. Do hệ thống Mặt trận ở cơ sở là cán bộ không chuyên trách nên MTTQ vừa làm vừa hướng dẫn, tuyên truyền, vận động lực lượng này phát huy trách nhiệm, hiệu quả. Chúng tôi làm cả ngày nghỉ để định hướng, hướng dẫn MTTQ các cấp ở cơ sở tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
- Để có danh sách những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử sẽ tổ chức 3 hội nghị hiệp thương. Đến thời điểm này, hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đã được Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tiến hành để thỏa thuận cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016-2021. Kết quả hội nghị như thế nào, thưa ông?
- Hội nghị đã thống nhất về 10 đơn vị bầu cử được phân bổ và số lượng 30 đại biểu được Trung ương giới thiệu và phân bổ cho Hà Nội để bầu cử ĐBQH khóa XIV; đồng thời, thống nhất hiệp thương số lượng 60 người. Qua hiệp thương lần thứ nhất, Mặt trận thống nhất với đề nghị bổ sung thêm chỉ tiêu cho Thành hội Phật giáo, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp… mỗi hội 1 chỉ tiêu và tăng số lượng người tái cử.
Còn đối với đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016-2021, qua hiệp thương lần thứ nhất thống nhất danh sách là 210 người ứng cử để bầu 105 người vào HĐND. Đồng thời, hội nghị cụ thể hóa và điều chỉnh bổ sung giới thiệu các đại biểu ứng cử ở các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp… Tinh thần chung là, các đại biểu đề nghị lấy chất lượng làm đầu, bảo đảm tiêu chuẩn tính đại diện, tính tiêu biểu, trí tuệ để nhân dân lựa chọn, bầu vào các cơ quan dân cử.
- Hiệp thương là khâu rất quan trọng, Thành ủy cũng đặc biệt nhấn mạnh vấn đề này. Đối với thành phố, việc thực hiện khá tốt, thế còn ở cấp cơ sở thì sao, thưa ông?
- Quá trình triển khai, trách nhiệm trước hết là của Ủy ban Bầu cử các cấp. Hiện nay, hội nghị hiệp thương lần thứ nhất thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND quận, huyện, xã, phường, thị trấn đã hoàn thành đúng quy định là 95 ngày trước ngày bầu cử. Chậm nhất ngày 22-2, căn cứ kết quả hiệp thương lần thứ nhất, thường trực HĐND quận, huyện, thị xã, phường và thị trấn điều chỉnh cơ cấu thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương và thôn, xóm, tổ dân phố được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND. Sau đó tiếp tục triển khai các bước cần thiết chuẩn bị hiệp thương lần thứ hai, lần thứ ba. MTTQ TP Hà Nội đã hướng dẫn rất cụ thể trong quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, định hướng cho hệ thống MTTQ các cấp. Ngoài ra, MTTQ thành phố thường xuyên theo dõi, hướng dẫn để MTTQ cấp cơ sở tổ chức tốt các hội nghị hiệp thương.
Không vì cơ cấu mà xem nhẹ chất lượng
- Nét mới trong công tác nhân sự kỳ này là giảm số lượng đại biểu công tác tại cơ quan hành chính, tăng đại biểu chuyên trách, đồng thời phải có tỷ lệ hợp lý đại biểu là nữ, các tôn giáo, đại biểu tái cử, đại biểu trẻ tuổi. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng: Rất khó để thiết kế được một cơ cấu hợp lý, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn giữa cơ cấu và chất lượng. MTTQ truyền tải nội dung này trong hiệp thương như thế nào, thưa ông?
- MTTQ nắm tâm tư, nguyện vọng của người ứng cử từ tiêu chuẩn đại biểu mà xây dựng cơ cấu, chứ không quá chú trọng cơ cấu mà quên tiêu chuẩn. Nói như vậy, nhưng cũng không được quên yếu tố cơ cấu mà phải kết hợp thật hợp lý, hài hòa giữa tiêu chuẩn, cơ cấu, đặc biệt chú trọng chất lượng của đại biểu, không vì cơ cấu mà xem nhẹ chất lượng đại biểu, đặc biệt phải phát huy dân chủ và tinh thần đại đoàn kết toàn dân.
Về tỷ lệ nữ chỉ tiêu là lớn hơn hoặc bằng 35%, người ngoài Đảng 10%, dân tộc thiểu số là phải phấn đấu tối thiểu ít nhất bằng kỳ trước, tái cử 30%, tăng đại biểu chuyên trách, giảm hợp lý số lượng đại biểu đang công tác tại các cơ quan nhà nước. Còn thành phần thì chúng tôi bố trí hài hòa, thích hợp theo tỷ lệ cân đối giữa các thành phần giai cấp công nhân, nông dân, hiệp hội, các tầng lớp trí thức… Bởi thế, khi có những ý kiến khác nhau về uy tín, tuổi hay những vấn đề khác, chúng tôi phải hết sức cân nhắc, trên cơ sở tiêu chuẩn người ứng cử, nhưng phải làm tốt công tác tuyên truyền, thuyết phục cho các đơn vị liên quan hiểu rõ chủ trương và tiêu chuẩn đại biểu. Ngoài ra, sau khi hiệp thương, chúng tôi hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành giới thiệu người ứng cử.
Tôi xin nhấn mạnh rằng, các bước hiệp thương được tổ chức theo đúng các quy định, người được giới thiệu ứng cử phải hội đủ tiêu chuẩn phẩm chất, năng lực trình độ và khả năng thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân.
- Hiện tượng nổi lên trong quá trình hiệp thương là tổ chức nào cũng muốn có người của tổ chức mình ứng cử. Vậy, Mặt trận làm thế nào để đại biểu ứng cử bảo đảm tính đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền lợi của nhân dân?
- MTTQ ghi nhận ý kiến của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và tổng hợp các ý kiến đó gửi các cơ quan liên quan, đề xuất việc cân nhắc lựa chọn. Quá trình thẩm tra tư cách đại biểu, Mặt trận cùng tham gia với các cơ quan liên quan theo nhiệm vụ của mình và theo quy trình công khai minh bạch, để ngăn chặn sự bất hợp lý, lạm dụng dân chủ. Trên cơ sở đó đưa ra khỏi danh sách ứng cử những người không bảo đảm tiêu chuẩn. Đây cũng là bước để nắm thông tin về đại biểu, khi cử tri có bất kỳ thắc mắc nào chúng tôi đều có thể trao đổi làm rõ. Việc tiếp theo là chuẩn bị các điều kiện đầy đủ để công dân thực hiện quyền bầu cử theo quy định của luật. Một vấn đề chúng ta sẽ làm rất tích cực, giám sát rất chặt chẽ là vận động bầu cử của các ứng cử viên theo hướng bình đẳng, đúng luật. Dù là bộ trưởng hay cô giáo, doanh nghiệp đều phải bình đẳng… Khi đã là ứng cử viên thì phải tuân theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Ai trúng cử nghĩa là cử tri tín nhiệm cao, cử tri tự quyết định, tuyệt đối không ai được quyền gợi ý, tác động.
- Qua vòng hiệp thương thứ nhất, ông đánh giá như thế nào về việc triển khai của các quận, huyện, thị xã cũng như những việc cần lưu ý tiếp theo?
- Đáng mừng là bộ máy mới cấp quận, huyện, cơ sở có trình độ, kinh nghiệm, tinh thần nhiệt huyết; MTTQ các quận, huyện thường xuyên trao đổi nên các bước cần triển khai đến thời điểm này diễn ra đúng quy định. Công tác giám sát của MTTQ với 4 hình thức giám sát được triển khai đồng bộ, bảo đảm việc bầu cử theo đúng quy định của luật. Tuy nhiên, bên cạnh giám sát, Mặt trận còn lắng nghe ý kiến từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở địa phương và tôi sẵn sàng nối máy điện thoại 24/24 giờ để trao đổi nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở.
Với tình trạng bỏ phiếu hộ, một người bầu thay cả nhà từng xảy ra, tuy không phải là phổ biến, chúng ta cũng đã dự báo trước và có giải pháp khắc phục đó là, tăng cường tuyên truyền, vận động để cử tri thấy được rằng, bầu cử là quyền lợi và trách nhiệm của cử tri đối với quê hương, đất nước, phải tự mình đi bỏ phiếu. Tuy nhiên, Luật Bầu cử có quy định tạo điều kiện cho những cử tri do ốm đau, tàn tật, già yếu mà không thể tự viết phiếu bầu và đi bỏ phiếu thì có thể nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu vào hòm phiếu do các tổ bầu cử mang đến. Người viết phiếu hộ phải bảo đảm tuyệt đối giữ bí mật phiếu bầu của cử tri. Ngoài ra sẽ có những hòm phiếu lưu động mang đến tận nhà để cho các trường hợp này được trực tiếp bỏ phiếu. Đây cũng là một trong những cách làm hay để hạn chế tình trạng bỏ phiếu hộ vào ngày bầu cử sắp tới.
- Trân trọng cảm ơn ông!