Nhạc sĩ Phú Quang: Trái tim giam cầm nơi bốn mùa Hà Nội

Giới trẻ - Ngày đăng : 05:44, 21/02/2016

(HNM) -

Hà Nội ngàn năm, Hà Nội ẩn mình trong bao ký ức, mãi là cảm hứng cho bất cứ ai biết yêu đời, yêu người, yêu cái đẹp... và chính những cảm hứng ấy lại điểm tô thêm cho Hà Nội, đến mức đôi khi ta tự hỏi: Hà Nội tạo nên thi nhân, hay tình yêu của thi nhân đã làm nên một "long lanh mây trời" Hà Nội? Điều này lại càng đúng với một nhạc sĩ sinh ra, lớn lên và dường như chỉ biết suốt đời "lang thang hoài trên phố", suốt đời soi mình để nhận và trao cho đời thứ ánh sáng mê hoặc lung linh của Sông Hồng, Hồ Gươm, Hồ Tây... để trầm tư trong những ẩn ức, khắc khoải, hoài niệm trĩu nặng dấu yêu với thế thái nhân tình! Nhạc sĩ Phú Quang - kẻ "tội đồ" mà trời đã tuyên phạt trái tim phải suốt đời bị giam cầm nơi bốn mùa Hà Nội. Mười mấy năm học và dạy ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) danh giá, nhưng mê văn chương nên anh đã cạy cục để được theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường - người 23 tuổi đã đỗ 2 bằng tiến sĩ tại Paris và Giáo sư Cao Xuân Hạo - người nức tiếng trong làng ngữ học, trau dồi văn thơ Pháp. Anh từng dịch Lamactin, Pônveclen... nên chúng ta dễ nhận thấy trong từng lời ca nét nhạc mà anh lựa chọn, cảm tác luôn có cái uyên thâm của một trí giả kinh kỳ chảy ngầm trong những day dứt yêu thương...

Nhạc sĩ Phú Quang.


Người ta chỉ biết nhiều về Phú Quang quãng mấy chục năm gần đây mà ít biết rằng khi mới 17 tuổi (1966) anh đã có nhạc không lời và khi 19 tuổi hòa tấu "Niềm tin" của anh đã thường xuyên vang trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Chàng trai đầy nhiệt huyết Phú Quang giữa cái thời bao cấp ngặt nghèo ấy đã tự lập "Ban nhạc Mùa thu" biểu diễn đều đặn, còn thêm nghề gia sư nên rủng rỉnh đến mức, khi mà mọi người còn vô cùng chật vật mới có cái xe đạp thì anh đã chạy xế nổ Star pằng pằng. Mãi sau này, giao hưởng của anh mới được trình diễn nhiều hơn, mà một trong số đó là bản "Hồi ức", như lời Tướng quân Đặng Vũ Hiệp kể: "Quá nửa khán phòng đều rơi lệ vì hồn nhạc không chỉ hào hùng mà còn có cả đau đớn lặng thầm ẩn trong mây đen vần vũ dưới chiều sậm đỏ như máu vẫn còn đang ứa trên bát ngát nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn...".

Nhưng chỉ từ khi loạt ca khúc "Nỗi nhớ mùa đông", "Em ơi Hà Nội phố", "Romance số 1 - 2"... vang lên trong thánh đường âm nhạc Nhà hát Lớn Hà Nội, Sài Gòn qua chất giọng mê hồn của cố NSND Lê Dung thì nhiều người mới biết đến Phú Quang là nhạc sĩ! Hàng trăm ca khúc nổi tiếng ra đời, mà hầu hết đều về Hà Nội của anh, đã thực sự chinh phục các tầng lớp khán thính giả bởi lời thơ sâu lắng, mượt mà, bởi ý nhạc thâm trầm như ngàn năm lịch sử ủ dưới rêu phong. Bữa nào, rời vai gầy áo mẹ, anh đi, đi tìm nửa kia và niềm tin của mình, nhưng "Như ánh chớp số phận" đã đẩy anh tới nỗi đau kinh khủng, phải nhìn thấy căn nhà nhỏ thân yêu với bao kỷ niệm tuổi thơ ở phố Khâm Thiên bị B52 tàn phá. Tất cả hầu như đã tan tành, chỉ còn lại cây dương cầm sứt mẻ trong đống gạch đá vừa đủ chỗ để ngón tay anh nhẹ lướt cho phím đàn vang lên, vừa đủ ấm để căn nhà đổ hồi sinh, cho niềm tin của anh, niềm tin của Hà Nội không bao giờ tắt... Rồi, Hà Nội ngõ nhỏ, phố nhỏ, những tâm hồn nhỏ đến một ngày dần trở nên chật hẹp với trái tim đầy đam mê và... anh lại muốn đi xa hơn, để cánh chim tự do thoải mái vẫy vùng ca hát. Và anh đã đi như trốn chạy đến với Sài Gòn rộng mở đầy nắng gió và hy vọng tràn trề… Nhưng sự hào phóng của mảnh đất con người phương Nam không thể giúp anh quên được "cây cầu (dù) đã gẫy". Mùa mưa sầm sập, mùa khô chói chang chẳng cách nào hong khô được mùa đông ẩn giấu trong lòng. Và, những "Em ơi Hà nội phố", "Nỗi nhớ mùa đông"… đã ra đời! Vội vã trở về đấy, rồi vội vã ra đi đấy nhưng chỉ có thể "chạm vai gầy áo mẹ" sao thỏa nỗi nhớ nhung khao khát được hằng ngày bên mẹ, được vòi vĩnh, được nhõng nhẽo khi nóng khi sốt, được nghe lời dặn dò, được "nhờ vả" mẹ rửa bát lau nhà, rồi khi mẹ yên giấc lại len lén vừa rửa lại từng chồng bát đĩa vừa nhỏ lệ vì biết mắt mẹ đã mờ, tay mẹ đã run yếu lắm rồi… Hà Nội - Mẹ - Hà Nội cứ quện vào nhau trong "Mùa thu giấu em", "Hà Nội ngày trở về", "Về lại phố xưa", "Lãng đãng chiều đông Hà Nội"… và thậm chí từng "Tôi muốn mang Hồ Gươm đi". Nhưng Hồ Gươm ai có thể, ai nỡ mang đi! Cuối cùng anh lại trở về... Hà Nội vẫn thế nhưng mẹ đâu rồi? Chỉ đến khi cố để hiểu rằng mẹ đã hòa vào trong Hà Nội, anh mới lắng lại những đau buồn, lắng lại nhớ thương đọng thành ca khúc "Mẹ, mẹ ơi!”. Gần đây, anh mới tặng chúng ta nhạc phẩm "Hà Nội và em khi thu chớm đông sang" dựa trên nền thơ của cố nhà thơ Chu Hoạch. Phú Quang quá thân thiết, quá hiểu cả thơ và người, thế là hai số phận đã hòa thành bản nhạc, một bản nhạc về sự tôn nghiêm ngạo nghễ của thi sĩ mà vẫn làm tan chảy cả những tâm hồn khô cứng lạnh lùng. Về âm nhạc, tổng thể bài ca là nét nhạc giản dị cung rê thứ, nhịp 4/4 chậm rãi, trầm ngâm. Những tiết tấu lấp láy như nhai như nghiến, như buồn đau lại chồng chất buồn đau! Mở đầu bằng nốt mí - phá quãng 2 thứ, cao vút như tiếng thét bật ra từ trái tim bị xé rách, rồi chuyển qua quãng 6 phá - la sâu thẳm như sự lắng đọng của biển khơi sau bão tố. Và đoạn cuối trở về với quãng 5 đúng là - mi tựa như bản ngã đã tìm thấy sự thanh thản, thư thái nhẹ nhàng, tựa như trời thu chuyển đông, một cơn mưa bóng mây chẳng thể làm mất đi trong xanh vời vợi... Vâng! Âm vực chỉ một trong quãng 10 đơn giản, bản nhạc không có gì mới, chẳng có phá cách hay cách tân nào cả, nghe là biết Phú Quang, nghe là thấy heo hắt mùa thu từ giã để về đông. Nhạc nổi lên là thấy Hà Nội trở về Hà Nội ra đi. Cũ như Hàng Bạc, Hàng Bè, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi... Cũ như thứ rượu được nấu bằng nếp cái hoa vàng trong hũ sành nút bằng lá chuối có tự ngàn năm. Ấy vậy mà, chẳng cần sơn phết, ta vẫn yêu như ngàn năm đọng thành phố cũ rêu phong, vẫn say như nồng cay rượu kia đắm đuối lòng người... Rồi lắng nghe nhiều hơn, sâu hơn! Cảm nhận thêm nữa về nhiều bản nhạc khác của anh ta sẽ thấy, mỗi ca khúc là một tự tình theo cách rất riêng: "Nỗi nhớ mùa đông" với "Dường như..." giao hòa mơ thật. Romance 2 bi phẫn, đến "tan lẫn vào đêm cho không ai nhận ra mình!". Romance 1 như tiếng nấc nghẹn mà đắm đuối trong hạnh phúc tuyệt vời, ra đi vẫn "tràn đầy biết ơn...", ra đi vẫn "trên đôi mi đã khép còn lăn chảy giọt nước mắt hân hoan"…

Mới đây anh được Hà Nội tôn vinh là "Công dân Thủ đô ưu tú", đó là sự ghi nhận xứng đáng của Thủ đô. Nhưng hơn thế, đó không chỉ là sự tôn vinh của người Hà Nội, mà còn là sự trân trọng nâng niu của mọi người Việt Nam yêu Hà Nội, yêu cái Chân - Thiện - Mỹ đã hân hoan trao tặng cho anh.

Cao Phú