Thu hút đầu tư từ Hàn Quốc vào Hà Nội: Nhân thiện cảm thành lợi thế

Kinh tế - Ngày đăng : 07:11, 20/02/2016

(HNM) - Như Báo Hànộimới đã đưa tin, Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc (KIET) đã công bố kết quả một cuộc thăm dò ý kiến cho thấy: Các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai thành phố thân thiện nhất đối với các nhà đầu tư trong tổng số 10 địa điểm ở Việt Nam, Trung Quốc và ba nước Châu Á khác.

Dây chuyền sản xuất phụ kiện điện tử tại nhà máy của Công ty TNHH SYNOFEX Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội). Ảnh: Danh Lam


Phóng viên Báo Hànộimới đã gặp gỡ đại diện các tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Hà Nội để có cái nhìn toàn diện hơn về đánh giá trên.

Thiện cảm và sự tương đồng

Là người trực tiếp điều hành hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư của Hàn Quốc tại Hà Nội, ông Lee Kyu Seon, Tổng Giám đốc Văn phòng Xúc tiến thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Hà Nội cho biết: Văn phòng KOTRA tại Hà Nội hoàn toàn đồng tình với kết quả cuộc thăm dò vừa công bố của KIET. Có nhiều yếu tố có thể đề cập khi đánh giá về môi trường đầu tư. Tuy nhiên, điểm mạnh chung của hai địa phương, trong đó có Hà Nội là sự phát triển mạnh mẽ. Kết quả báo cáo của KIET còn cho thấy mức độ hài lòng của các doanh nghiệp (DN) tại thời điểm hiện tại và khả năng phát triển của hai thành phố trong tương lai. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều được đánh giá cao ở hạng mục này.

Sản xuất tại Công ty TNHH SYNOFEX Việt Nam.Ảnh: Danh Lam


Cũng theo ông Lee Kyu Seon, thuận lợi trong môi trường đầu tư của Hà Nội bao gồm cả yếu tố về văn hóa và cơ hội kinh doanh. Việt Nam và Hàn Quốc chia sẻ nền văn hóa khá tương đồng, tính cách người dân hai nước cũng có nhiều điểm giống nhau, vì thế có thể hòa nhập tốt trong công việc. Người Việt Nam được đánh giá là chăm chỉ, chân thật, tự lực và có cùng nền tảng Nho giáo nên tôn trọng kỷ luật và cống hiến tốt tại môi trường làm việc. Người Hàn Quốc cũng rất hài lòng với chất lượng sống tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Về cơ hội kinh doanh, Việt Nam là một trong những nước mà Hàn Quốc muốn đầu tư vì xã hội ổn định và kinh tế tăng trưởng tốt. Một trong những khó khăn là khác biệt về cơ sở hạ tầng giữa các địa phương và thành phố lớn. Vì thế, cần có nhiều dự án đầu tư hơn nữa vào các lĩnh vực giao thông, thông tin, y tế…

Ông Hong Sun, Tổng Thư ký Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng: Việt Nam được các DN Hàn Quốc lựa chọn là một trong những địa điểm đầu tư lý tưởng không chỉ vì môi trường đầu tư kinh doanh mà còn do nhiều yếu tố tương đồng về nhân sinh quan, tôn giáo, văn hóa, truyền thống gia đình… Và, một yếu tố quan trọng khác do đặc trưng của người Hàn Quốc là tính tập trung. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có rất nhiều tập đoàn lớn cũng như các công ty vừa và nhỏ đầu tư hoạt động từ trước nên đã hình thành nên cộng đồng người Hàn.

Biến lợi thế thành thời cơ

Tuy nhiên, để biến sức hấp dẫn từ môi trường đầu tư cũng như thiện cảm của các DN thành lợi thế phát triển, cảm nhận chung của cộng đồng DN Hàn Quốc đang kinh doanh tại Hà Nội là Việt Nam cần tiếp tục công cuộc đổi mới. Bởi lẽ vẫn tồn tại nhiều hạn chế gây khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài như giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn khá phức tạp và chậm chạp, gây khó khăn cho DN.

Theo ông Lee Kyu Seon, Hà Nội cần đẩy mạnh hơn nữa việc cải thiện cơ sở hạ tầng để người nước ngoài nâng cao chất lượng cuộc sống, ổn định cư trú cũng như cải tiến các thủ tục hành chính cho DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Ông Seo Seong Ki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH BLD VINA (Khu công nghiệp Quang Minh) cho rằng: Nguồn lao động giá rẻ tại Việt Nam chỉ là "một nửa của sự hấp dẫn", nửa còn lại là các lao động phải thực sự có tay nghề để đáp ứng yêu cầu ngày càng ngặt nghèo trong các ngành công nghiệp cao. Vì vậy, các trường đại học, trung tâm dạy nghề cần phối hợp chặt chẽ với các DN tại địa phương để sớm đào tạo các kỹ sư giỏi phục vụ các ngành công nghiệp chế tạo và công nghiệp phụ trợ đang rất cần người như hiện nay. Ngoài ra, những chính sách ổn định, rõ ràng cũng ảnh hưởng rất lớn tới các quyết định đầu tư kinh doanh, hợp tác từ phía các DN Hàn Quốc nói riêng, DN nước ngoài nói chung.

Trong khi đó, ông Kim Hyeon Gwui, Giám đốc Công ty Thương mại và Đầu tư Kim Han Nam (chuyên về lĩnh vực máy móc may công nghiệp) cho biết: Tôi đã làm việc tại Việt Nam 10 năm, nhưng chưa bao giờ cảm thấy hào hứng với công việc kinh doanh như hiện nay. Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc ký kết năm ngoái đã có hiệu lực, chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước. Kinh tế Việt Nam đã mở cửa nhiều hơn và năm 2016 thuận lợi nhiều hơn so với năm 2015 do nhiều hiệp định thương mại mà Việt Nam mới ký kết sẽ đi vào thực tế.

Tuy nhiên, là người đã kinh doanh tại Việt Nam nhiều năm, chứng kiến nhiều sự thay đổi về chính sách và pháp luật, nhưng tôi vẫn thấy tốc độ cải cách ở Việt Nam chậm hơn so với yêu cầu. Với tư cách là một nhà đầu tư nước ngoài, tôi mong muốn sẽ được thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong quá trình cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, để môi trường kinh doanh ngày càng thuận tiện, minh bạch, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn.

Ông Lee Kyu Seon, Tổng Giám đốc Văn phòng Xúc tiến thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Hà Nội: KOTRA tham gia tư vấn cho doanh nghiệp Hàn Quốc trên mọi lĩnh vực khi họ có kế hoạch đầu tư (thông tin cơ bản về môi trường đầu tư, thủ tục, ưu đãi đầu tư, thuế quan, lao động, xây dựng nhà xưởng, thuê đất…). Để có được những thông tin hữu ích cho DN Hàn Quốc, KOTRA tại Hà Nội hiện đang hợp tác chặt chẽ với Cục Đầu tư nước ngoài, UBND các tỉnh, thành phố, trung tâm xúc tiến đầu tư của các địa phương để nắm bắt kịp thời thông tin.

Thanh Hiền - Đình Hiệp