Xây đập tạm chống hạn, ngăn mặn
Đời sống - Ngày đăng : 10:56, 19/02/2016
Xâm nhập mặn vào sâu nội đồng
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mùa khô năm 2015-2016, do thiếu nước ngọt, mặn đã xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ hàng năm (sớm hơn 2 tháng), khả năng kết thúc muộn hơn (1 tháng) và xâm nhập sâu vào ĐBSCL. Cụ thể, tại khu vực cửa Sông Tiền, xâm nhập mặn vào sâu nội đồng 40-56km, cao hơn cùng kỳ 10-15km; tại khu vực cửa Sông Hậu, mặn đã lấn sâu vào nội đồng 50-60km, cao hơn cùng kỳ khoảng 15km. Dự báo trong các tháng mùa khô năm nay, nhiệt độ ở ĐBSCL cao hơn trung bình nhiều năm 0,5-1,50C, nhiệt độ cao nhất dự báo sẽ lên tới mức 370C. Do mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, tổng lượng mưa phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30 đến 60%. Hạn hán, thiếu nước đã diễn ra thậm chí ngay cả trong các tháng mùa lũ. Lượng dòng chảy các sông thiếu hụt so với trung bình nhiều năm 30-50%, một số nơi hụt tới 80%. Dự báo về tình hình xâm nhập mặn trong thời gian tới, theo Bộ NN&PTNT, từ cuối tháng 2-2016 trở đi, các vùng cách biển 25-45km, nguồn nước ngọt giảm nhiều và gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ cửa sông, gây ra tình trạng thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt. Đối với các vùng cách biển 45-65km, từ tháng 3 đến tháng 5-2016, có khả năng bị mặn cao (trên 4g/l). Nếu mưa đến chậm, xâm nhập mặn có thể kéo dài đến tháng 6-2016. Trong thời kỳ này, vào những đợt triều cường, mặn sẽ xâm nhập sâu hơn, có nơi dự báo mặn sẽ ăn sâu 100km vào nội đồng.
Hạn, mặn đang ảnh hưởng trực tiếp đến vùng lúa Đồng bằng sông Cửu Long. |
Theo cơ quan chức năng, diễn biến bất thường của hiện tượng trên sẽ khiến khoảng 339.234ha diện tích lúa vụ đông xuân 2015-2016, chiếm 35,5% diện tích xuống giống của vùng ven biển và chiếm 21,9% diện tích xuống giống toàn vùng ĐBSCL có nguy cơ bị ảnh hưởng . Trong đó, diện tích đã bị ảnh hưởng nặng là 104.000ha, chiếm 11% diện tích xuống giống của vùng ven biển và chiếm 6,7% diện tích xuống giống toàn vùng ĐBSCL. Đặc biệt, nhiều diện tích lúa đang trong chu kỳ ngậm sữa của các tỉnh trong vùng, nhất là 8 tỉnh ven biển đang bị đe dọa trực tiếp. Chỉ riêng tỉnh Kiên Giang, diện tích thiệt hại do hạn, mặn đã trên 57.000ha, Bạc Liêu 32.000ha, ước thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng. Đối với cây ăn quả, tại Vĩnh Long, Hậu Giang và Sóc Trăng, nước mặn xâm nhập vào các vùng trồng cây ăn quả làm ảnh hưởng đến bưởi da xanh, sầu riêng, xoài...
Cấp tập phòng, chống
Theo GS.TS Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, hạn, mặn vùng ĐBSCL phải đến cuối tháng 5 đầu tháng 6-2016 mới lắng xuống. Hiện, một số công trình thủy lợi ở Gò Công (Tiền Giang) đủ điều kiện để ứng phó với hạn, mặn. Tuy nhiên, hệ thống thủy lợi chống hạn, mặn toàn vùng ĐBSCL hiện nay còn yếu và hiệu quả thấp.
Ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, hiện mặn nội đồng ở Hậu Giang đã lên đến 3‰, còn ngoài hệ thống sông rạch lên đến 12‰. Đối với giải pháp phi công trình, tỉnh tuyên truyền người dân tích trữ nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, chăn nuôi. Về giải pháp công trình, Hậu Giang đề xuất phân thành 3 vùng quy hoạch sản xuất để đáp ứng với biến đổi khí hậu, trước mắt xây dựng kè tạm ngăn mặn.
Còn theo ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Cà Mau hiện có 18.000ha lúa và nuôi trồng thủy sản ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Nhằm ứng phó với tình hình trên, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tái cơ cấu lại sản xuất. Riêng vùng U Minh Thượng sẽ tiến hành nạo vét kênh mương chứa nước ngọt. Sắp tới, để thích nghi với biến đổi khí hậu, ông Hải đề nghị Bộ NN&PTNT điều chỉnh lại sản xuất vùng Quản Lộ - Phụng Hiệp, thực hiện đề án dẫn nước ngọt từ Sông Hậu về vùng này để hạn chế khai thác nước ngầm, đồng thời chỉ sản xuất 1 vụ lúa trên đất tôm.
Hiện tại, các địa phương như Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau... đã chủ động xây dựng nhiều đập tạm ngăn mặn, giữ nước sản xuất.