Châu Á ngày càng ưa chuộng mô hình giáo dục quốc tế

Xã hội - Ngày đăng : 15:54, 18/02/2016

(HNMO) – Theo chân những ngôi trường như Harrow, Dulwich College, Malvern và Wellington, một trường nội trú thuộc top đầu của Anh cũng chuẩn bị thành lập cơ sở mới tại Trung Quốc.

Học tại trường quốc tế sẽ là khởi đầu hoàn hảo cho trẻ đăng kí các trường đại học quốc tế hàng đầu.


Tuy nhiên, việc thành lập cơ sở mới tại châu Á không có nghĩa là sao y hệ thống giáo dục của ngôi trường đó tại phương Tây. Điển hình là trường quốc tế nội trú dành cho nữ sinh Wycombe Abbey tại thành phố Thường Châu (Trung Quốc), được xây dựng theo dạng đồng giáo dục. Theo đó, chương trình học sẽ được dạy bằng cả tiếng Trung Quốc và tiếng Anh trong một môi trường mang phong cách Anh.

Bên cạnh chương trình quy chuẩn quốc tế GCSEs và A-levels, học sinh tại đây sẽ được học Toán theo chương trình của Trung Quốc. Gọi là trường quốc tế nhưng Wycombe Abbey không dành cho học sinh quốc tế hay con em từ các gia đình người Anh đang sống tại Trung Quốc.

Môi trường học tại các trường quốc tế thường đạt tiêu chuẩn cao về phòng ốc và trang thiết bị.


Hiệu trưởng trường Abbey tại Trung Quốc cũng là người đang tham gia mô hình giáo dục quốc tế tại Hông Kông và Brunei, bà Rhiannon Wilkinson, cho biết: “Chúng tôi đang đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người Trung Quốc về một nền giáo dục Anh Quốc tầm trung”.

“Nhưng chúng tôi cũng cần điều chỉnh hệ thống dạy và học theo phong cách Anh mà vẫn giữ được phương pháp giáo dục của Trung Quốc. Kể cả khi đăng kí học tại trường quốc tế, các vị phụ huynh cũng không muốn con em mình bị Tây hoá”.

Các ngôi trường quốc tế trước kia được coi như một vùng đất xa xôi đối với môi trường nội địa nhưng hiện nay, ngày càng nhiều gia đình ưa chuộng mô hình này. Các phụ huynh thường kỳ vọng rằng con cái họ có thể tự tin sánh vai cùng bạn bè quốc tế và có nhiều cơ hội để tạo dựng mối quan hệ cho sự nghiệp trong tương lai.

Các trường quốc tế thường khai thác thế mạnh của học sinh và phát triển tính tư duy độc lập và chủ động.


Lựa chọn này cũng bắt nguồn từ sự nhàm chán và cạnh tranh dữ dội trong hệ thống giáo dục nội địa - việc học trên sách vở - không có tính ứng dụng và học chỉ để đạt điểm cao trong các kỳ thi.

Bà Wilkinson cũng chia sẻ thêm: “Các gia đình Trung Quốc đang ngày càng lo lắng về áp lực của hệ thống này đối với con trẻ”.

Hiện nay trên thế giới có khoảng 8.000 trường quốc tế và khoảng 4,26 triệu học sinh. Và loại hình này đang phát triển nhanh hơn ở ở châu Á. Khoảng 10 năm trước, mỗi quốc gia chỉ có vài chục trường, nay chỉ riêng Thái Lan đã có tới 172 trường dạy theo chương trình quốc tế, một nửa số đó đi theo chương trình giáo dục chuẩn quốc gia của Anh. Ngoài Thái Lan, Malaysia cũng đã có 142 trường, Nhật Bản có 233 trường và đặc biệt là Singapore với 63 trường - chiếm đa số trường đào tạo tại nước này. Tới đây, Myanmar cũng sẽ trở thành một điểm nóng giáo dục khi trong năm tới, trường Dulwich College sẽ mở cơ sở tại đây.

Tại châu Á nhiều phụ huynh cho rằng để con học trường quốc tế là giúp con xây dựng mối quan hệ cho tương lai.



Hồng Kông năm 2000 chỉ có 92 trường, hiện đã có tới 171 trường quốc tế. Theo giám đốc của trung tâm giáo dục ISC có trụ sở tại Bangkok, Thái Lan, Richard Gaskell cho biết hầu hết các trường quốc tế hàng đầu tại Hong Kong đều kín chỗ bởi các bản đăng kí từ những gia đình có điều kiện.

Trái lại tại Hàn Quốc, sự cạnh tranh giữa các trường quốc tế trở nên căng thẳng hơn để tìm kiếm đủ số lượng học sinh.

Quay trở lại với câu chuyện ở Trung Quốc. Số lượng vài chục trường cách đây 15 năm đã tăng lên tới 530 trường quốc tế của Anh tầm trung, phục vụ cho hơn 326.000 học sinh, sinh viên.

Theo nghiên cứu của ISC, từ năm 2010 đến năm 2014, số lượng trường học theo chương trình quốc tế tại Thượng Hải tăng gần 40% và hiện đang đào tạo hơn 71.000 học sinh. Các trường hợp không còn chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải nữa mà đã xuất hiện nhiều hơn ở các thành phố khác.

Có ít nhất là một triệu người nước ngoài đang sống và làm việc tại Trung Quốc, nhiều nhà chức trách địa phương cho rằng nếu họ có thể thành lập cơ sở các trường top đầu vào địa phương thì họ có thể thu hút được nhiều người đến nhập cư hơn.  

Diệu Linh