Phải hài hòa, phù hợp với điều kiện cụ thể
Giáo dục - Ngày đăng : 06:51, 18/02/2016
Việc tới trường trong những ngày quá rét có thể ảnh hưởng tới sức khỏe học sinh. Ảnh: Anh Tuấn |
Mục đích đặt ra là nhằm bảo đảm sức khỏe và phòng chống rét cho học sinh (HS), nhưng chưa nhận được sự đồng thuận hoàn toàn của phụ huynh.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, chị Nguyễn Thị Thảo (phường La Khê, quận Hà Đông) cho biết, đợt rét đậm, rét hại vừa qua, cả hai con chị (một 4 tuổi, một 6 tuổi) được nghỉ học. Công việc cuối năm rất bận rộn nhưng do không có người trông giữ, chị đành phải xin nghỉ ở nhà trông con. Theo chị Thảo, quy định thời tiết dưới 10 độ C thì cho HS mầm non và tiểu học được nghỉ học nhằm bảo đảm sức khỏe là đúng, nhưng nên quy định cụ thể hơn.
Ví dụ như, nhiệt độ dưới 10 độ kèm theo mưa, buốt giá, khoảng cách nhiệt độ ít chênh lệch thì cho HS nghỉ học; còn nhiệt độ dưới 10 độ nhưng trời nắng, khoảng cách nhiệt độ trong ngày chênh lệch lớn thì nên cho các cháu đến trường. Hơn nữa, nếu chỉ căn cứ vào bản tin dự báo thời tiết trên VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam lúc 6h15 để cho HS nghỉ học là chưa thật hợp lý. Theo chị, cùng với việc căn cứ bản tin thời tiết, Sở GD-ĐT nên chỉ đạo các trường điều chỉnh thời gian vào học phù hợp với diễn biến thời tiết trong ngày, vì sáng sớm có thể rất lạnh nhưng khi có mặt trời, nhiệt độ tăng nhanh.
Anh Nguyễn Văn Hoàng (phường Kim Liên, quận Đống Đa) cho rằng, việc HS nghỉ học vì giá rét là điều không mong muốn vì nhiều hộ không bố trí được người trông con. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục của các nhà trường trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung chưa thể đáp ứng yêu cầu dạy và học khi nhiệt độ xuống thấp thì cho HS nghỉ học là cần thiết để bảo đảm sức khỏe. Dẫu vậy, việc HS nghỉ học khiến phụ huynh phải nghỉ làm để trông nom con, giáo viên vẫn phải đến trường rồi sau đó phải căng ra dạy bù chương trình… khiến nhiều người không dễ chấp nhận. Để giải quyết vẹn toàn "việc công, việc tư", chị Phan Huyền Nga (phường Mai Động, quận Hoàng Mai) đã phải xin phép "sếp" đưa con lên cơ quan dù biết có thể gây ra phiền hà cho đồng nghiệp.
Một số phụ huynh khác thì lại cho rằng hiện nay tỷ lệ trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Hà Nội đạt chuẩn quốc gia chiếm đa số, điều này đồng nghĩa với việc cơ sở vật chất tương đối bảo đảm cho việc dạy và học, do vậy nếu cho HS các trường này nghỉ học là thực sự cứng nhắc... Vì vậy, cần xem xét, áp dụng quy định cho nghỉ học tùy theo điều kiện cơ sở vật chất của từng trường.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, thời gian tới, sẽ còn một vài đợt rét đậm, rét hại... Nên chăng ngành Giáo dục chỉ hướng dẫn và dành quyền chủ động cho các trường chủ động quyết định, sắp xếp thời gian học - nghỉ phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể nhằm bảo đảm hài hòa giữa việc giảng dạy - học tập, bảo vệ sức khỏe cho HS, tạo thuận lợi cho phụ huynh...