Hy vọng mới về điều trị ung thư bằng tế bào miễn dịch biến đổi gen
Sức khỏe - Ngày đăng : 13:58, 17/02/2016
Được mệnh danh là "sinh dược", nó sẽ hoạt động theo cách tương tự như vắc-xin, bằng cách liên tục cảnh giác với sự quay lại của bệnh.
Liệu pháp miễn dịch tế bào T đã trở thành tiêu điểm chú ý vào năm ngoái khi em bé người Anh Layla Richards trở thành một trong những người đầu tiên trên thế giới được nhận “thuốc” điều trị làm từ tế bào của chính cơ thể.
Đồ hoạ: Ngọc Diệp |
Mới đây, hai nghiên cứu đột phá đã tiết lộ khả năng tuyệt vời của liệu pháp này.
Một nghiên cứu gợi ý liệu pháp sẽ có tác dụng kéo dài ít nhất 14 năm trong cơ thể, làm dấy lên hy vọng về một cách chữa khỏi vĩnh viễn căn bệnh ung thư.
Trong nghiên cứu kia, 94% bệnh nhân bị bệnh nan y thấy bệnh thuyên giảm hoàn toàn
Kết quả “chưa từng có tiền lệ trong y học” được báo cáo tại hội nghị khoa học lớn nhất thế giới
Các nhà khoa học trên khắp thế giới đang hoàn thiện kỹ thuật này, và hàng loạt thử nghiệm đã cho thấy nó rất có tiềm năng.
Một số kết quả thú vị nhất đến từ Viện nghiên cứu khoa học San Raffaele ở Milan (Italia), nơi các bác sĩ đã cho mười bệnh nhân truyền tế bào T và xem chúng tồn tại bao lâu trong cơ thể.
Một týp tế bào T đã sống được 14 năm, theo báo cáo tại hội nghị của Hiệp hội Mỹ vì sự tiến bộ của khoa học.
Theo tác giả nghiên cứu, TS Bonini, các tế bào này có thể tồn tại suốt đời. Nếu chúng cũng được biến đổi gen để truy tìm và tiêu diệt ung thư, chúng sẽ “đi tuần” trong cơ thể hết năm này qua năm khác và khiến ung thư không có cơ hội quay trở lại.
Bà ví cách điều trị này với vắc-xin, giúp bảo vệ chống lại nhiễm trùng, và cho biết thêm: "Tế bào T là một loại sinh dược và chúng có khả năng tồn tại trong cơ thể chúng ta đến hết đời”.
Liệu pháp miễn dịch tế bào T được tạo ra từ tế bào T (phía dưới bên trái trong hình trái) – những tế bào bạch cầu mà bình thường vẫn chống lại vi rút và vi khuẩn. Chúng được lấy từ bệnh nhân và được biến đổi gen để nhận biết và tấn công ung thư. Các tế bào biến đổi gen này sau đó được nuôi cấy thành hàng triệu tế bào trong phòng thí nghiệm trước khi được truyền lại vào bệnh nhân, ở đó chúng sẽ săn lùng các tế bào ung thư (bên phải) |
Các tế bào ung thư sau đó bị tiêu diệt. Liệu pháp được ví với vắc-xin giúp chống nhiễm trùng. Các nhà khoa học trên toàn thế giới hiện đang hoàn thiện kỹ thuật này |
Một nghiên cứu thứ hai, cũng được trình bày tại hội nghị ở Washington DC (Hoa Kỳ), càng củng cố tiềm năng của liệu pháp miễn dịch tế bào T.
Khi các nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson ở Seattle truyền tế bào T biến đổi gen cho những bệnh nhân bị bệnh bạch cầu mà tiên lượng chỉ còn sống được vài tháng, ung thư đã biến mất ở 94% số trường hợp. Bệnh nhân bị các dạng ung thư máu khác cũng có tỷ lệ đáp ứng trên 80%, với hơn một nửa thuyên giảm hoàn toàn.
TS Stanley Riddell cho biết: "Đây là những bệnh nhân đã thất bại với những cách điều trị khác. Hầu hết bệnh nhân trong thử nghiệm của chúng tôi dự kiến chỉ còn sống được 2-5 tháng.
“Đây là tỷ lệ đáp ứng phi thường ... chưa từng có trong y học ở những bệnh nhân bị bệnh rất nặng này”.
Việc điều trị là không phải không có những thách thức, bao gồm những tác dụng phụ có thể là nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong. Thành công cho đến nay mới chỉ dừng ở bệnh bạch cầu và những ung thư “lỏng” khác, chứ không phải với ung thư tuyến tiền liệt, vú và những khối u rắn. Việc đưa tế bào T vào sâu bên trong các khối u rắn sẽ khó khăn. Chi phí cũng là một vấn đề, vì điều trị phải được thiết kế riêng cho từng bệnh nhân. |