Phía sau lời xin lỗi
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:21, 17/02/2016
Trước đó, đã có một số lần, khi chở con đi chữa bệnh, người đàn ông này đã… vượt đèn đỏ. Cháu bé nói với ba rằng, đó là hành vi sai trái và mong ba xin lỗi. Có lẽ do công việc bận rộn, con lại ốm đau nên trong những ngày nghỉ Tết, anh mới có thời gian thực hiện yêu cầu này. Trong những ngày du xuân, giữa bạt ngàn thông tin vui chơi, giải trí nên sự kiện nêu trên đã lắng như một "nốt trầm". Tuy nhiên, đó là một "nốt trầm" có độ vang, bởi suy nghĩ và hành động của hai bố con người đàn ông trên khiến rất nhiều người phải nghĩ, thậm chí phải tự cảm thấy xấu hổ.
Nói vậy là bởi, Luật Giao thông đường bộ là luật bị vi phạm nhiều nhất, diễn ra thường xuyên nhất trong cuộc sống hằng ngày. Nặng thì chở quá tải, chạy quá tốc độ, điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia, đi vào đường cấm, vượt đèn đỏ…, nhẹ thì không đội mũ bảo hiểm, đi sai làn… Khi người đàn ông nói trên đang cầm biển xin lỗi trên phố đông người qua thì không ít "nam thanh, nữ tú" vẫn đầu không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ba, hàng bốn trên xe máy du xuân, thậm chí vượt đèn đỏ. Những ngày Tết, đường phố vắng vẻ, cũng là cơ hội hiếm hoi để lực lượng chức năng có thể thảnh thơi sau cả một năm căng mình bám đường, hít khói bụi để... chỉ huy, tổ chức, hướng dẫn giao thông. Và dường như ngày lễ, Tết, các lực lượng chức năng cũng "nhẹ tay" hơn với những vi phạm. Đó cũng là một trong rất nhiều nguyên nhân dẫn tới các hành vi đáng tiếc.
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 9 ngày nghỉ Tết, cả nước đã xảy ra 408 vụ tai nạn, làm 300 người thiệt mạng, 380 người bị thương, trong đó giao thông đường bộ chiếm phần lớn với 403 vụ tai nạn làm 297 người chết, 376 người bị thương... Những con số nêu trên cho thấy: Tai nạn giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Cùng với đó là những hành vi phi văn hóa khi điều khiển phương tiện giao thông. Các cơ quan chức năng, mỗi địa phương đều đã thực hiện các chiến dịch tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông. Thế nhưng, cũng phải thấy rằng, giáo dục là một quá trình, phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức của mỗi người. Xử phạt nghiêm minh để từng bước thay đổi hành vi, thói quen xấu cũng là một cách giáo dục.
Luật sinh ra để điều chỉnh hành vi của xã hội. Bên cạnh xử phạt hành chính, phạt tiền, thu giữ phương tiện, đẩy mạnh "phạt nguội" qua hình ảnh, việc bắt buộc người vi phạm phải xin lỗi công khai tới cộng đồng, hoặc buộc họ phải lao động công ích cũng là một giải pháp. Khi và chỉ khi con người biết xấu hổ với hành vi vi phạm mới có thể thay đổi nhận thức, hành xử đúng mực vì sự an toàn của bản thân và cộng đồng.