Việt Nam kêu gọi chấm dứt hành động làm phức tạp tình hình Biển Đông

Đối ngoại - Ngày đăng : 20:43, 16/02/2016

Ngày 15/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức phiên thảo luận mở về chủ đề: “Tôn trọng các tôn chỉ, mục đích của Hiến chương Liên hợp quốc - yếu tố then chốt nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.”

Đại sứ Nguyễn Phương Nga (phải) tham dự phiên khai mạc khóa họp 70 Đại Hội đồng Liên hợp quốc. (Ảnh: Lê Dương/TTXVN)


Cuộc họp do Ngoại trưởng Venezuela, Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 2 chủ trì. Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc tham dự và phát biểu tại hội nghị.

Trong bài phát biểu mở đầu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh, bên cạnh những thành tựu đạt được, thế giới vẫn đứng trước nhiều thách thức như nội chiến leo thang ở Syria và Yemen, chủ nghĩa bạo lực cực đoan lan rộng, các giá trị cơ bản của luật nhân đạo và luật nhân quyền quốc tế bị xem nhẹ.

Tổng Thư ký nhấn mạnh vai trò của Liên hợp quốc trong việc chỗ trợ xây dựng năng lực giúp các nước nhận biết và xử lý xung đột và khủng hoảng, thông qua các biện pháp ngăn ngừa như phát hiện, cảnh báo sớm.

Ông cũng khẳng định phương châm hoạt động của Liên hợp quốc dựa trên hợp tác, minh bạch và tôn trọng chủ quyền quốc gia theo đúng tinh thần của Hiến chương Liên hợp quốc.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, khẳng định ý nghĩa quan trọng của Hiến chương Liên hợp quốc trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy phát triển và bảo vệ quyền con người; nhấn mạnh giá trị của các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương trước những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống hiện nay; kêu gọi Liên hợp quốc, đặc biệt là các cơ quan chính là Đại Hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), cần đi đầu thúc đẩy các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương trên cơ sở tôn trọng giá trị, bản sắc riêng của mỗi nướcvề lịch sử, văn hóa, chính trị, kinh tế-xã hội.

Đại sứ cũng cho rằng Liên hợp quốc cần phát huy vai trò hỗ trợ giải quyết hòa bình tranh chấp và ngăn ngừa xung đột; Hội đồng Bảo an cần ưu tiên sử dụng các biện pháp hòa bình theo Điều 33 của Hiến chương, tăng cường quan hệ với các tổ chức khu vực và tiểu khu vực, thực hiện tốt vai trò trung gian h​òa giải, huy động nguồn lực và nâng cao năng lực cho các hoạt động gìn giữ hòa bình.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh vai trò đoàn kết của ASEAN trong việc bảo đảm cấu trúc an ninh và ổn định tại khu vực, đặc biệt trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông với những hành động đơn phương xây dựng, mở rộng đảo, đá bất hợp pháp làm ảnh hưởng đến môi trường và gây phương hại nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Đại sứ đề nghị các bên liên quan chấm dứt những hành động làm thay đổi hiện trạng, quân sự hóa hoặc làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông; kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở khu vực, cam kết thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về các ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Tại cuộc họp, các nước đều khẳng định vai trò quan trọng của các nguyên tắc cơ bản và mục đích của Hiến chương là yếu tố then chốt để xây dựng và duy trì một kiến trúc an ninh tập thể quốc tế; đề cao các giá trị cốt lõi như tôn trọng độc lập và bình đẳng chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ, giải quyết hòa bình tranh chấp, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực và vai trò quan trọng của Liên hợp quốc trong việc hỗ trợ giải quyết hòa bình các tranh chấp và giải quyết các vấn đề gốc rễ để ngăn ngừa xung đột, đặc biệt trong bối cảnh an ninh, hòa bình khu vực và thế giới bị đe dọa bởi những tranh chấp chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, xung đột tôn giáo, sắc tộc, giải trừ quân bị và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan dẫn đến làn sóng di cư bùng phát, dịch bệnh do virus Ebola, Zika, biến đổi khí hậu./. 

Theo TTXVN/Việt Nam plus