Bài cuối: Vấn đề sống còn
Xã hội - Ngày đăng : 07:02, 16/02/2016
Chăm sóc người bệnh tại bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: Nhật Nam |
Đây là một trong những lý do khiến nhiều người dù có thẻ BHYT cũng không sử dụng. Tới đây, khi viện phí tăng, việc cải thiện chất lượng khám chữa bệnh BHYT là vấn đề sống còn của các bệnh viện.
"Sợ" đi khám bằng thẻ BHYT
Đối với người chưa tham gia BHYT thì trong thời gian tới (từ ngày 1-3), chi phí dịch vụ khám chữa bệnh sẽ thấp hơn so với người bệnh có thẻ BHYT, do vẫn được thanh toán theo mức giá cũ (chưa bao gồm chi phí tiền lương và phụ cấp). Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho rằng, nếu thực hiện tăng ngay phí khám chữa bệnh với người chưa có thẻ BHYT sẽ gây gánh nặng lớn đối với họ. Mặt khác, việc chưa áp dụng tăng viện phí với đối tượng này còn để dành thời gian vận động họ tham gia BHYT.
Có một thực tế là thời gian qua, đã và đang có không ít người dù có thẻ BHYT nhưng vẫn... kiên quyết không sử dụng khi đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện (BV). Đơn cử, bà Trần Thị Lượt (quê ở huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương), bị bệnh khớp, dù có thẻ BHYT nhưng chấp nhận... tự vượt tuyến - đi quãng đường 60km lên thẳng BV Bạch Mai khám dịch vụ. Lý do mà bà Lượt đưa ra, sử dụng thẻ BHYT thủ tục nhiêu khê, phiền hà. Thậm chí, theo Luật BHYT sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1-1-2016), việc mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT giữa cơ sở y tế tuyến xã và huyện trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố, song những người bệnh như bà Lượt vẫn không tin tưởng tuyến dưới. "BV tuyến dưới khả năng hạn chế nhưng lại gây khó khăn cho người bệnh BHYT muốn chuyển tuyến. Khi người bệnh được chuyển lên tuyến trên thì bệnh đã bị nặng hơn sau nhiều ngày ở tuyến dưới" - bà Lượt nói.
Nhiều BV đã cố gắng đầu tư mở rộng khu khám bệnh, cải tiến quy trình nhưng thời gian chờ đợi của bệnh nhân vẫn không giảm nhiều. Người dân khám bệnh BHYT luôn phải rồng rắn xếp hàng chờ tới lượt khám. Chị Nguyễn Thanh Hà (ở phố Ngọc Lâm, quận Long Biên, TP Hà Nội) cho biết, để hoàn tất quy trình khám bệnh BHYT ít nhất cũng mất một ngày. Công đoạn khiến bệnh nhân tốn nhiều thời gian nhất vẫn là khâu chờ bác sĩ thăm khám, chụp chiếu, thanh toán BHYT và nhận thuốc.
Bởi vậy, nhiều người có thẻ BHYT do cơ quan, đơn vị, công ty cấp khi bệnh nhẹ đã bỏ thẻ để đi khám dịch vụ hoặc ra nhà thuốc "khai bệnh" và mua thuốc về uống. Với bệnh nhân điều trị ngoại trú bằng thẻ BHYT thì mất thời gian như vậy, còn bệnh nhân điều trị nội trú lại phải nằm ghép 2-3 người/giường. "Cực chẳng đã mới phải khám và điều trị bằng thẻ BHYT. Nếu có đủ tiền, không mắc các bệnh mạn tính phải điều trị dài ngày thì khó có người dân nào chịu tham gia BHYT để... rước nhiêu khê" - chị Hà chia sẻ.
Cải thiện chất lượng khám chữa bệnh
Hiện tại, nhiều BV vẫn cắt diện tích chung để dành giường riêng cho khu vực dịch vụ, khiến bệnh nhân BHYT khốn đốn. Việc bị phân biệt đối xử trong quá trình khám, chữa bệnh giữa bệnh nhân dịch vụ và BHYT đã làm giảm lòng tin của người bệnh. Thậm chí, không ít người còn nặng quan điểm BHYT là dành cho người nghèo; chỉ người ốm, sắp ốm mới mua thẻ BHYT.
Theo ông Nguyễn Nam Liên, Bộ Y tế đang xây dựng Thông tư quy định về tổ chức hoạt động đối với khu vực khám chữa bệnh theo yêu cầu trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập, trong đó sẽ quy định phạm vi, điều kiện thực hiện dịch vụ giường bệnh theo yêu cầu, chỉ đạo các BV phải từng bước thu hẹp các giường bệnh theo yêu cầu nằm rải rác ở các khoa hiện nay. Trường hợp BV có tổ chức các khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu thì phải sử dụng vốn vay, vốn huy động, hoặc hợp tác đầu tư để xây dựng cơ sở khám chữa bệnh mới theo tinh thần Nghị quyết 93/NQ-CP (về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế), độc lập với khu vực khám chữa bệnh thông thường.
Ông Nguyễn Nam Liên khẳng định, khi viện phí tăng, việc cải thiện chất lượng khám chữa bệnh khu vực BHYT sẽ là vấn đề sống còn. Bởi nếu dịch vụ kém, bệnh nhân không chọn, BV sẽ không có nguồn thu. Khi giá viện phí được tính đủ chi phí, Nhà nước không cấp kinh phí hoạt động (trừ một số BV đặc thù như phong, tâm thần...)... Việc tính tiền lương, phụ cấp vào giá sẽ thay đổi tư duy của cán bộ y tế. Người bệnh là người trả lương cho đội ngũ cán bộ, bác sĩ thì bệnh viện phải nâng cao chất lượng dịch vụ, lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ. Trước mắt, việc điều chỉnh viện phí chỉ áp dụng với người bệnh thanh toán BHYT. Tuy nhiên, trong tương lai gần, viện phí mới sẽ được áp dụng đồng loạt nên người không có thẻ BHYT sẽ nặng gánh hơn nếu chẳng may ốm đau.