Hạn chế tình trạng kết hôn trá hình: Tuyên truyền đi đôi với xử lý

Xã hội - Ngày đăng : 06:43, 16/02/2016

(HNM) - Nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại, Việt Nam có nguy cơ

Bất cập phát sinh

Nhiều năm làm việc tại Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ kết hôn thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Hà Nội, chuyên gia tư vấn pháp luật Nguyễn Thị Hương cho biết, trung tâm đã từng từ chối cấp giấy chứng nhận đối với hàng chục cuộc đăng ký tư vấn xin cấp giấy chứng nhận cho hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Với các cuộc đăng ký tư vấn mà cô dâu xuất thân từ địa phương vùng sâu, vùng xa, chuyên gia thẩm định hồ sơ, tư vấn kỹ cho chị em về rủi ro tiềm tàng nếu lấy chồng không vì mục đích hôn nhân mà vì nhu cầu xuất ngoại, kinh tế... Các cô dâu Việt cũng được cảnh báo về hậu quả vi phạm pháp luật hôn nhân - gia đình, vi phạm thuần phong mỹ tục, nguy cơ tiềm tàng xâm hại nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm người phụ nữ. Nhờ vậy, đã có không ít cô dâu Việt nhận thức được điều này. Thế nhưng, từ khi Luật Hộ tịch 2014 có hiệu lực thi hành, chính thức bãi bỏ thủ tục phỏng vấn khi giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài (Điều 38), cũng đồng nghĩa các cô dâu Việt không cần đến các chuyên gia tư vấn pháp luật nữa. Điều này khiến không chỉ bà Hương mà nhiều người rất lo lắng, nhất là trong điều kiện các đơn vị cấp huyện, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa thường thiếu cán bộ có chuyên môn như nhân viên thẩm định hồ sơ, phiên dịch viên…

Triển khai đồng bộ nhiều biện pháp

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương, để phòng tránh các tiêu cực như kết hôn trá hình, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chị em phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam đã và sẽ tiếp tục triển khai đồng thời nhiều biện pháp. Hội đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tư vấn cho phụ nữ nói riêng, người dân nói chung để nâng cao nhận thức, từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn cho cuộc sống và tương lai. Bên cạnh đó, tại 20 Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài trực thuộc Hội LHPN các tỉnh, thành phố, hội tập trung thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ phụ nữ kết hôn với người nước ngoài. Nhiệm vụ của các chuyên gia là giúp những phụ nữ có ý định kết hôn với người nước ngoài nhận thức đúng về ý nghĩa cuộc hôn nhân, sự cần thiết của việc kết hôn trên cơ sở tình yêu, hiểu biết lẫn nhau. Tại một số trung tâm, hội còn tổ chức đào tạo, nâng cao kỹ năng tổ chức gia đình, nuôi dạy con, trang bị kiến thức văn hóa, ứng xử cho những phụ nữ chuẩn bị kết hôn và sang nước ngoài sống với chồng.

Hiện nay, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp với Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc thực hiện dự án thí điểm "Hỗ trợ hôn nhân Hàn Quốc" (từ tháng 6-2015 đến tháng 12-2016) tại tỉnh Hậu Giang và Hải Dương. Dự án sẽ nâng cao nhận thức cho phụ nữ hai tỉnh này về vấn đề kết hôn có yếu tố nước ngoài, bảo đảm phù hợp nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân với thuần phong mỹ tục của dân tộc, góp phần xây dựng hôn nhân lành mạnh, tuân thủ pháp luật và quan hệ hữu nghị hai nước Việt Nam - Hàn Quốc. Dự án cũng góp phần hạn chế rủi ro cho phụ nữ Việt Nam khi lấy chồng Hàn Quốc. Đây là cơ sở để hội rút kinh nghiệm, nhân rộng ra các địa bàn có nhiều phụ nữ có nguyện vọng làm "cô dâu xuất ngoại", nhằm góp phần lành mạnh hóa quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, hỗ trợ chị em bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình...

Dù vậy, những nỗ lực của Hội LHPN Việt Nam vẫn chưa đủ. Với tỷ lệ mất cân bằng giới tính gia tăng ở một số khu vực Châu Á và việc ngày càng có nhiều phụ nữ mong muốn thoát khỏi cuộc sống khó khăn bằng cách lấy chồng ngoại thì vấn đề phụ nữ di cư kết hôn với người nước ngoài đang ngày càng trở nên phức tạp.

Linh Chi