Những tỷ phú dưới chân núi Tản

Kinh tế - Ngày đăng : 06:43, 15/02/2016

(HNM) - Xuân Bính Thân 2016 là năm đáng nhớ nhất với nhiều người dân ở thôn nghèo An Hòa, xã Tản Lĩnh (Ba Vì) về những chuyển biến trong phát triển kinh tế để nâng cao đời sống người dân nhờ nghề trồng


Ở thôn An Hòa, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Nguyễn Duy Thế (sinh năm 1982) là một trong những nông dân tỷ phú trẻ, nhờ nghề trồng cây cảnh. Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, với hơn 3.000 gốc mai, gia đình anh thu về 2 tỷ đồng. Thế cho biết: Cách đây khoảng 15 năm, vườn và ruộng chỉ trồng cây chè, cây ăn quả, lúa, giá trị kinh tế không cao. Phát hiện cây mai trắng được người tiêu dùng ưa chuộng chơi Tết, trong khi ở xã Tản Lĩnh một số gia đình còn giữ được những gốc mai trắng cổ thụ, bông to, cánh kép rất đẹp nhưng chỉ để phục vụ thú chơi của gia đình. Vậy là Thế bắt tay vào nhân giống, phát triển loại cây cảnh này tại địa phương.

Anh Nguyễn Duy Thế chăm sóc mai.


Ông Đỗ Quang Thái, chủ vườn mai trắng quy mô gần 1ha cho biết, gia đình đã trồng mai được 11 năm. Tận dụng lợi thế vùng đồi gò, đất đai rộng, khí hậu mát mẻ thuận lợi cho cây mai trắng phát triển. Năm 2004, gia đình ông khởi nghiệp trồng mai trên diện tích 2.500m2. Đến nay, vườn mai nhà ông có hàng vạn cây to nhỏ, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 2.000 cây thế. Theo ông Nguyễn Văn Tý, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn An Hòa hiện nay cả thôn có 12 hộ chuyên trồng mai trắng, quy mô trên dưới 1ha/hộ, thu nhập 300 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/năm…

Để có được thành công, nông dân nơi đây cũng trải qua không ít khó khăn, vất vả. Theo Nguyễn Duy Thế, cây mai trắng rất "khó tính", thời gian đầu vừa trồng vừa tích lũy kinh nghiệm vừa nghe ngóng thị trường để mở rộng diện tích. Ban đầu, để có nhiều cây giống, các hộ dân thôn An Hòa sử dụng kỹ thuật giâm cành. Song, kết quả thu được không như ý, tỷ lệ sống thấp. "Một lần, có một cây mai bị chết, tôi để ý thấy gốc mai bật lên hàng chục mầm xanh. Từ đó, tôi nảy ra ý nghĩ nhân giống từ gốc. Tôi cắt một số gốc mai, cây "tức" mà bật mầm thật nhiều, từ đó tách thành các cây con vừa đơn giản, vừa hiệu quả" - Nguyễn Duy Thế cho biết.

Theo ông Đỗ Quang Thái, một cây mai đẹp, phải đẹp từ rễ (gốc) đến thế (tay) rồi mới đến hoa. Nếu một cây mai có hoa đẹp nhưng cành, gốc rễ không đẹp thì cũng chỉ bán được mấy chục nghìn đồng nhưng đẹp từ rễ đến thế, hoa thì có giá cả triệu đồng. Vì thế, người trồng mai phải kỳ công bó buộc, để uốn rễ. Mỗi năm, phải nhấc gốc lên để kiểm tra, nếu rễ đẹp thì sẽ uốn và tạo hình để bán cây thế. Được thế rồi thì phải nắm chắc tập tính của cây mai trắng, điều kiện thời tiết để tuốt lá vào thời điểm thích hợp giúp cây nở hoa đúng dịp Tết.

Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn An Hòa Nguyễn Văn Tý cho biết: Thôn có hơn 200 hộ dân. Đất nông nghiệp tuy là đồi gò nhưng rộng mênh mông bát ngát. Người dân An Hòa chăm chỉ, cần cù, sáng tạo. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bà con chuyển từ trồng lúa sang các mô hình trồng cây cảnh, trong đó có cây mai trắng để phát triển kinh tế.

Nguyễn Mai