Văn hóa Việt Nam trong tiến trình hội nhập: Gạn đục, khơi trong
Văn hóa - Ngày đăng : 07:30, 14/02/2016
Khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Ảnh: Hà Chi |
Bảo tồn có chọn lọc
Những phẩm chất nổi bật như: Ý chí độc lập, tự cường, gắn kết cộng đồng; khiêm tốn, chăm chỉ, sáng tạo, nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa, trọng tình… của con người Việt Nam được trao truyền từ đời này sang đời khác, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, bản sắc văn hóa không phải là bất biến, luôn có sự trao đổi, tiếp biến với các nền văn hóa khác trong quá trình phát triển để tạo ra những giá trị mới phù hợp, tiên tiến hơn...
Từ năm 1986 đến nay, văn hóa được Đảng xác định là nền tảng, động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trên tinh thần đó, Nhà nước xây dựng hành lang pháp lý để quản lý và dành sự quan tâm, đầu tư cả về nguồn lực vật chất và tinh thần để bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Trước đây, thế giới hầu như chỉ biết đến Việt Nam là đất nước chiến thắng những kẻ thù lớn mạnh, thì hôm nay, bạn bè năm châu đã biết đến Việt Nam là đất nước tươi đẹp, có chiều rộng và chiều sâu văn hóa thông qua hệ thống di sản văn hóa đồ sộ đang được gìn giữ, phát huy. Đó là quần thể di tích cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), khu phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam), vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bảng (Quảng Bình), Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, ca trù, quan họ… Nhiều di sản văn hóa của Việt Nam đã được UNESCO đưa lên "bản đồ" di sản thế giới.
Dự án sưu tầm, lưu giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Sử thi Tây Nguyên, nghệ thuật biểu diễn truyền thống… gây được tiếng vang lớn. Lễ hội đền Lảnh Giang, tịch điền Đọi Sơn (Hà Nam), lễ hội xuống đồng của người Khmer (Bình Phước), lễ mừng lúa mới của đồng bào Tây Nguyên… sau nhiều năm vắng bóng đã được phục dựng. Ở Hà Nội, điệu hát Dô (Quốc Oai); ca trù Chanh Thôn (Phú Xuyên), Lỗ Khê (Đông Anh), An Khánh (Hoài Đức); chèo Tàu (Đan Phượng); múa Bồng (Triều Khúc)… một thời gian dài bị lãng quên nay hồi sinh, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân địa phương.
Trong lịch sử phát triển dân tộc luôn có sự giao lưu, du nhập và tiếp biến văn hóa nước ngoài. Nhưng cái hay, cái thú vị là người Việt đã biến những yếu tố vay mượn thành thuần Việt, làm phong phú thêm, mạnh thêm nền văn hóa Việt Nam. Ví dụ như người Việt dùng chữ Hán nhưng lại đọc theo âm Việt rồi sáng tạo ra chữ Nôm; người Việt đánh đuổi giặc Pháp nhưng vẫn học tiếng Pháp để tìm hiểu về văn hóa phương Tây, thậm chí giao tiếp, viết sách bằng tiếng Pháp, rồi sáng tạo ra một nền văn học, nghệ thuật, kiến trúc mới mang bản sắc Việt.
Từ hình tượng linh vật được sử dụng trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam, nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền (Cục Di sản văn hóa) khẳng định: "Linh vật do người Việt Nam sáng tạo hoặc du nhập, tiếp biến từ các nền văn hóa bên ngoài, nhưng được sử dụng rộng rãi từ lâu đời, phản ánh sâu sắc đời sống văn hóa, tâm linh của dân tộc". Mới đây, di sản kéo co ngồi được sáng tạo và thực hành bởi cộng đồng trồng lúa ở Việt Nam, Hàn Quốc, Philipines và Campuchia được UNESCO vinh danh cũng vì di sản mang tính đa quốc gia nhưng lại có nét tương đồng. Qua đó có thể thấy, dù trong hoàn cảnh bắt buộc hay tự nguyện, người Việt đều có khả năng du nhập và tiếp biến văn hóa rất tài tình. Khả năng thích ứng và tiếp biến văn hóa được nhiều nhà nghiên cứu ví như thứ "vắc xin" chống lại sự xâm lăng văn hóa từ những kẻ thù lớn mạnh hơn ta gấp nhiều lần.
Thời cơ và thử thách
Không thể đứng ngoài xu hướng tất yếu, việc bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa trong những năm gần đây vấp phải không ít khó khăn. Đó là sự xâm nhập của một số sản phẩm văn hóa độc hại vào nước ta bằng nhiều con đường, có thể tác động xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ. Nhiều lần, các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ, sự tác động của những sản phẩm văn hóa độc hại là một trong những nguyên nhân làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Lối sống thực dụng, vụ lợi, vị kỷ, thích hưởng lạc; cái xấu, cái ác phi nhân tính có dấu hiệu tăng lên. Môi trường đạo đức và văn hóa lành mạnh bị đe dọa… Đó còn là mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển trong việc gìn giữ, phát huy hệ thống di sản văn hóa.
Trên thực tế, cộng đồng ở một số nơi đã tiếp nhận yếu tố phát triển một cách tự nhiên, hài hòa như việc xây dựng hệ thống cáp treo phục vụ du khách tại di tích Chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Núi Sam (An Giang) hay việc thay đổi một phần lối sống, lối sinh hoạt của người dân Hội An đã góp phần biến di sản thành tài sản phục vụ cho chính lợi ích của cộng đồng. Song một số nơi cộng đồng hoặc không muốn tiếp nhận sự phát triển, hoặc quá chú trọng sự phát triển khiến cho nhiệm vụ bảo tồn và phát triển khó tìm được tiếng nói chung. Điều đó lý giải tại sao có chuyện một số người dân Đường Lâm làm đơn xin trả lại danh hiệu di tích, một số di tích bị làm mới; mặt trái của lễ hội chưa bị đẩy lùi…
Tiếp tục đưa "con thuyền" văn hóa Việt Nam vượt qua thách thức, vững chắc hướng tới tương lai, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, một lần nữa Đảng đề ra nhiệm vụ xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Ý Đảng cũng là lòng dân, Đảng và dân ta luôn cùng một nguyện vọng, ý chí, cho nên chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng văn hóa Việt Nam trên chặng đường phát triển sẽ "gạn đục, khơi trong" như xưa nay vẫn thế.