Dẻo, thơm chè lam Thạch Xá
Xã hội - Ngày đăng : 07:26, 14/02/2016
Sản xuất chè lam ở Thạch Xá. |
Truyền thuyết về sự ra đời của thứ quà quê này khá nhiều nhưng theo các bô lão xã Thạch Xá thì xuất phát từ tấm lòng thành kính với Đức Phật, người dân đã làm ra một thứ bánh thơm dẻo để dâng lễ. Mỗi khi du khách đến trẩy hội chùa Tây Phương ai cũng mua một hộp bánh chè lam để thưởng thức và làm quà. Tuy nhiên, lại có một giai thoại khác về nguồn gốc bánh chè lam, đó là món bánh có từ thời nhà Lê. Để tiện cho việc mang lương thực có đủ dinh dưỡng, có thể sử dụng dài ngày trên đường đánh giặc, nghĩa quân Lam Sơn đã mang theo món ăn này. Cứ như thế qua các thế hệ người Việt nói chung và Thạch Xá nói riêng, bánh chè lam được lưu truyền đến ngày nay.
Ông Nguyễn Huy Động, Chủ tịch Hội làng nghề Chè lam Thạch Xá cho hay: Với hơn 60 hộ làm chè lam chuyên nghiệp, mỗi năm địa phương sản xuất trung bình trên dưới 200 tấn bánh phục vụ thị trường. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư và sản xuất lớn như hộ ông Nguyễn Huy Hiếu, Nguyễn Chí Thủy… với sản lượng vài chục tấn/hộ/năm. Đặc biệt, vào dịp trước và sau tết Nguyên đán, cả làng Thạch Xá đều đỏ lửa làm bánh để ăn, tặng người thân xa quê, thờ cúng tổ tiên và đi lễ…
Từ một thứ quà quê dân dã, giờ chè lam Thạch Xá có mẫu mã, lô gô với bao bì sản phẩm thống nhất. Chị Nguyễn Thị Thuận, một trong những người làm chè lam lâu năm chia sẻ: "Muốn có một món chè lam ngon, đầu tiên người thợ làm bánh phải lựa chọn loại thóc nếp cái hoa vàng thật căng mẩy, được sàng sảy cẩn thận trước khi cho vào rang. Điểm đặc biệt ở Thạch Xá, người dân luôn rang nguyên hạt thóc nếp vào chảo thật vừa lửa để gạo nở thành hạt bỏng trắng, thơm là được. Nếu rang gạo nếp như các nơi khác, bánh sẽ bị cứng nhanh nên khó giữ được lâu. Sau đó người ta đem bỏng đi xay nhỏ rồi lọc lấy bột thật mịn, thật trắng, có vậy bánh mới dẻo dai, thơm và ngon được".
Đặc biệt, khâu quan trọng nhất để chế biến nên bánh chè lam là khâu đun mật và chế biến gia vị. Trước đây người dân trong làng Thạch Xá dùng mật để làm nhưng nay 100% hộ đều đã chuyển dùng đường kính kết hợp với mạch nha để nấu thành mật. Để có một nồi mật ngon, ngoài việc cho thêm một số gia vị như gừng xay nhỏ sau khi đã gọt, rửa thật sạch. Ngày nay tùy theo khẩu vị của khách đặt hàng, người Thạch Xá còn có cả sản phẩm chè lam có vị thịt lạc rang khô trộn cùng hoặc vừng rang. Sau khi đợi bọt sôi của nồi mật hết, trộn với lạc đã nhặt sạch và bột bỏng rồi nhào kỹ cho đến khi đạt được độ dẻo và dai cần thiết. Sau đó bánh được nhào nặn và cán vào khuôn rồi để nguội. Cuối cùng bánh sẽ được chặt thành miếng vừa miệng, trộn với bột bỏng lần cuối trước khi đóng hộp.
Ngày xuân, ăn chè lam Thạch Xá, uống với nước chè xanh được hãm bằng nước giếng đá ong xứ Đoài rất ngon, ngọt, dẻo... là thú ẩm thực thanh khiết của nhiều tao nhân, mặc khách xưa nay. Từ một món quà quê dân dã xứ Đoài, giờ chè lam Thạch Xá trở thành một sản phẩm hàng hóa nổi tiếng. Những năm trước đây, bánh kẹo truyền thống bị lép vế, ế ẩm so với bánh kẹo ngoại nhưng mỗi dịp Tết đến Xuân về, mọi gian bếp của người dân Thạch Xá vẫn đỏ lửa để làm ra những mẻ bánh chè lam thơm nhất, dẻo nhất, ngon nhất. 5 năm trở lại đây, làng nghề chè lam Thạch Xá đã trụ vững và tìm được hướng phát triển mới. Nhiều hộ dân ở đây đã có thể sống từ nghề truyền thống, đang dần vươn lên giàu...