Hàng nghìn người 'choảng nhau' cầu may ở xứ Thanh
Văn hóa - Ngày đăng : 14:10, 13/02/2016
Sáng sớm mùng 6 Tết, khi sương giá còn bao phủ khắp các thôn làng thì hàng đoàn người, xe cộ đã rầm rập đổ về triền đê ven sông Hoàng để “mua may, bán rủi”.
Phiên chợ năm nay có phần tấp nập hơn những năm trước, ước chừng có đến hơn 3.000 người tham dự. Người đến chợ Chuộng mua bán thì ít, cầu may đổ rủi thì nhiều. Bà con quanh vùng truyền tụng câu nói bao đời, “bỏ con bỏ cháu, không bỏ mồng sáu chợ Chuộng”.
Chợ Chuộng nhộn nhịp bên bờ sông Hoàng từ sáng sớm. Ảnh: Lê Hoàng. |
Nằm ven sông Hoàng, giữa một bãi đất trống rộng hơn nghìn mét vuông, chợ Chuộng chỉ diễn ra một ngày trong năm. Ngay từ ngày mùng 5 Tết, người dân quanh vùng đã cùng nhau góp tre, nứa bắc một cây cầu khỉ qua sông để du khách từ huyện Triệu Sơn sang chợ nhanh hơn. Cầu tre này sau khi chợ tan (chiều cùng ngày) sẽ được dỡ bỏ. Sang năm đến phiên chợ, người ta lại góp tre bắc cầu. Ngoài đi xe máy và đi bộ qua cầu khỉ, người dân còn dùng thuyền nan di chuyển qua khúc sông nhỏ.
Chợ Chuộng còn được biết đến bằng nhiều tên gọi khác như chợ choảng nhau, chợ giải xui, chợ ân oán… Người dân đến chợ Chuộng dù không quen biết, nhưng hễ gặp nhau là họ "choảng" nhau bằng cà chua, táo, trứng thối... Hễ thấy thích ai là các thanh niên lại hò nhau ném túi bụi vào người đó. Người bị ném co chân chạy nhưng miệng vẫn cười toe toét vì theo quan niệm, càng bị ném nhiều, năm đó càng gặp may mắn.
Một cụ cao niên cho hay, xưa kia, hễ năm nào có đánh nhau to thì năm đó nhân dân trong vùng làm ăn càng phát đạt. “Năm nào gia đình tôi cũng đến chợ Chuộng vừa bán hàng vừa du xuân, chủ yếu là mua điều may bán điều rủi và cầu chúc một năm mới an lành, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi”, cụ Hoàng Văn Thanh, người dân xã Đông Hoàng chia sẻ.
Tại phiên chợ Chuộng còn bày bán những mặt hàng nông sản đặc trưng trong vùng và những món ăn dân gian truyền thống như bánh đa gấc, bánh cuốn, táo, rau các loại… Trong đó, cà chua là một loại hàng hóa đặc biệt được bán rất nhiều để làm… vũ khí ném nhau.
Lịch sử ra đời của chợ Chuộng có nhiều cách giải thích khác nhau, trong đó có tích chuyện liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Chuyện kể rằng, trong một lần nghĩa quân Lam Sơn bị giặc Minh truy đuổi đến ven bờ con sông Hoàng thì hết đường lui. Để che giấu nghĩa quân, người dân làng kéo nhau ra bãi sông này tổ chức họp chợ. Tướng lĩnh và binh lính sau đó đều được cải trang thành dân cày, còn vũ khí được cất giấu trong các đống rau quả, lều quán. Khi quân giặc đuổi tới nơi, thấy cảnh phiên chợ đông đúc nên không chút đề phòng. Lợi dụng lúc quân địch mất cảnh giác, vị tướng chỉ huy phát động cuộc phản công. Bằng sự đoàn kết, mưu trí và dũng cảm của quân dân mà đánh tan được kẻ thù.
Cảm kích trước sự thông minh, dũng cảm của dân làng, nhà vua đã trọng thưởng hậu hĩnh cho bá tánh trong làng. Kể từ đó, để tưởng nhớ về sự kiện này, năm nào cũng vậy, người dân lại tổ chức phiên chợ Chuộng với phần đánh nhau giả vờ như một nét văn hóa truyền thống. Theo quan niệm của người dân địa phương, năm nào chợ Chuộng đánh nhau không to thì năm đó dân làng làm ăn kém may mắn.
Tuy nhiên những năm gần đây, phiên chợ này năm nào cũng có những trận đánh nhau lớn. Một số thanh niên đã lợi dụng phiên chợ để thanh toán hiềm khích cá nhân. Có người đã mang thương tật vì đánh nhau tại chợ Chuộng. Nhiều du khách đến chợ rất sợ hãi khi chứng kiến cảnh các nhóm thanh niên trai tráng rượt đuổi nhau bằng gậy gộc, thậm chí bằng dao, kiếm… Có người bị đuổi đánh đau đớn đã phải nhảy xuống sông Hoàng mới thoát nạn.
Theo Trưởng công an xã Đông Hoàng Lê Đức Bạn, chợ Chuộng là nét văn hóa cổ xưa còn lưu truyền tại địa phương. “Quan niệm xưa cho rằng, đánh nhau to thì chợ mới vui nhưng những năm gần đây phiên chợ có nhiều biến tướng, đã có nhiều cuộc ẩu đả lớn xảy ra”, ông Bạn nói và cho hay dù lực lượng công an, dân quân tự vệ được huy động rất đông nhưng không ngăn chặn hết những hành bột phát này.