Tăng trưởng xanh: Nan giải bài toán vốn đầu tư

Kinh tế - Ngày đăng : 07:44, 13/02/2016

(HNM) - Tăng trưởng xanh hướng tới chất lượng, bảo vệ môi trường, điều kiện sống đang gặp nhiều khó khăn khi thiếu nguồn vốn đầu tư.

Trong báo cáo tổng kết năm 2015, ngành TN-MT đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại như nguồn lực thiếu, chưa được huy động đầy đủ để bảo đảm phát triển kinh tế theo hướng bền vững, vì vậy vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. Tại Hà Nội, trong số 26 đơn vị có kết quả phân tích đánh giá khi Sở TN-MT lấy mẫu nước thải kiểm tra, chỉ 6 đơn vị đạt chỉ tiêu cho phép, 17 đơn vị gây ô nhiễm môi trường và 3 đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Tăng trưởng xanh - nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn phát triển 5 năm (2016-2020). Ảnh: Xuân Chính


Theo điều tra mới đây của Bộ Khoa học và Công nghệ, khoảng 80-90% máy móc và công nghệ sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam là nhập khẩu và 76% trong đó được sản xuất từ thập niên 8 - 9 của thế kỷ trước; 75% máy móc và trang thiết bị đã hết khấu hao. Khảo sát của Tổng cục Thống kê, hiện có trên 95% doanh nghiệp Việt Nam thuộc loại nhỏ, vốn ít, nguồn nhân lực nghiên cứu - phát triển thiếu về số lượng, yếu về chất lượng nên không đủ khả năng tự tiến hành nghiên cứu triển khai hoặc đổi mới công nghệ... Trong khi đó, ước tính Việt Nam cần tới 30 tỷ USD để đạt được mục tiêu đề ra của chiến lược tăng trưởng xanh. Khi ngân sách nhà nước còn hạn chế thì con số này không dễ được đáp ứng đầy đủ.

Yêu cầu đa dạng hóa trong việc huy động nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng, khu vực tư nhân, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư nước ngoài, cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế là nhiệm vụ đặt ra cho ngành TN-MT, để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường bức xúc, kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân. Bộ TN-MT tính toán, để có được nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường, cần hình thành cơ chế để huy động nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ TN-MT theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí đầu tư và chi trả, coi đây là giải pháp đột phá khắc phục tình trạng thiếu nguồn lực tài chính đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường, giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách nhà nước. Cùng với đó là vấn đề công nghệ khi quyết định đầu tư. Công nghệ phải được lựa chọn linh hoạt, có mức độ tự động hóa cao, đáp ứng được các thay đổi, biến động của nước thải đầu vào. Như vậy, chủ đầu tư có thể yên tâm nhà máy luôn vận hành ổn định, dễ sử dụng và chi phí vận hành luôn ở mức thấp nhất, cho phép tối đa hóa hiệu quả đầu tư, rút ngắn thời gian thu hồi vốn.

Bộ TN-MT chủ trương đa dạng hóa việc huy động nguồn lực xã hội cho bảo vệ môi trường; như khuyến khích xã hội hóa, đầu tư theo hình thức hợp tác công tư, nhất là về thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt tập trung; hình thành và triển khai hiệu quả các quỹ bảo vệ môi trường nói chung và quỹ trong các tập đoàn, doanh nghiệp nói riêng, để có thể chủ động nguồn vốn giải quyết các vấn đề môi trường.

Thanh Hải