Thu hẹp khoảng cách giữa miền núi với thành thị

Xã hội - Ngày đăng : 07:30, 13/02/2016

(HNM) - Thu hẹp khoảng cách giữa khu vực miền núi với thành thị; nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) là một nhiệm vụ quan trọng được TP Hà Nội triển khai thực hiện trong những năm qua, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của thành phố đối với công tác dân tộc.

- Cùng với đồng bào DTTS cả nước, đồng bào DTTS Thủ đô đã nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và thành phố. Việc thực hiện các chính sách và công tác dân tộc trên địa bàn Thủ đô đã được triển khai như thế nào, thưa ông?

- Đồng bào DTTS của Hà Nội, với hơn 68.000 người, hiện đang sinh sống tại 29 quận, huyện, tập trung tại 5 huyện: Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ và Mỹ Đức. Công tác dân tộc và chính sách dân tộc luôn được Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Sau khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, ngoài thực hiện hiệu quả Chương trình 134 và 135 của Chính phủ, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế đặc thù, hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng nông thôn… giúp vùng DTTS miền núi phát triển. Điển hình, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 06 về Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS miền núi Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2015. Cụ thể hóa Nghị quyết này, UBND thành phố đã xây dựng Kế hoạch 166 về Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2013-2015, tổng kinh phí đầu tư 2.000 tỷ đồng, phân bổ cho 186 nhóm dự án.

Việc triển khai thực hiện Kế hoạch 166 và các chương trình, kế hoạch trước đó đã góp phần đổi thay diện mạo vùng DTTS. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015, thành phố đã đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng, xây dựng 202 công trình. Ngoài ra, thành phố kêu gọi các quận hỗ trợ đầu tư 46 nhà văn hóa thôn với tổng kinh phí 92 tỷ đồng; Tổng công ty Điện lực Hà Nội triển khai 5 dự án nâng cấp điện, tổng kinh phí 101 tỷ đồng.

Thu hoạch chè búp tại Ba Trại (Ba Vì).


- Sự xuất hiện của các công trình, dự án đã góp phần thay đổi diện mạo các vùng sâu, vùng xa, miền núi. Thực tế, đời sống của bà con đã có những chuyển biến như thế nào?

- Nghị quyết 06 của Thành ủy và Kế hoạch 166 của UBND thành phố được các cấp, ngành từ thành phố đến cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn miền núi đã có sự đổi thay rõ rệt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 10%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, mạng lưới điện sinh hoạt, các công trình hỗ trợ sản xuất được đầu tư tương đối đồng bộ. 100% xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã, có trạm y tế được đầu tư xây dựng kiên cố và trang bị cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia; 100% hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, năm 2011 còn hơn 18%, đến năm 2015 còn 5%. Đặc biệt, tại các địa phương đã hình thành một số mô hình sản xuất tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng hoa ly, chuối tiêu hồng ở các xã: Yên Bình, Tiến Xuân (Thạch Thất); vùng sản xuất chè búp khô ở Ba Trại (Ba Vì); chăn nuôi bò sữa ở các xã: Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài (Ba Vì)… Thu nhập bình quân từ 8,5 triệu đồng/người năm 2011 tăng lên 15 triệu đồng/người/năm 2015.

- Với vai trò, chức năng của mình, Ban Dân tộc thành phố đã có những hoạt động gì để chăm lo đời sống đồng bào DTTS?

- Hằng năm, Ban Dân tộc đều phối hợp với các sở, ngành, đơn vị triển khai thực hiện công tác dân tộc. Một trong những chương trình phối hợp mang lại hiệu quả cao trong năm 2015 là cùng với Thành đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Hà Nội và Sở Y tế tổ chức thành công chương trình khám, tư vấn sức khỏe và phát thuốc miễn phí cho trên 1.300 người thuộc diện hộ nghèo, thanh, thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại 7 xã miền núi của huyện Ba Vì. Ban còn phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao tổ chức thành công hội thi Thể dục - Thể thao các xã dân tộc miền núi, các trường dân tộc nội trú trên địa bàn; phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố tổ chức 4 lớp tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân khi tham gia giao thông.

Cùng với đó, Ban Dân tộc hướng dẫn các địa phương rà soát, bình chọn được 145 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Năm 2015, chúng tôi đã mở 2 lớp tập huấn cho người có uy tín trong đồng bào DTTS và nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ công tác dân tộc cho đội ngũ cán bộ làm công tác này.

- Năm 2016, công tác dân tộc sẽ tập trung vào những nhiệm vụ gì, thưa ông?

- Năm 2016, Ban Dân tộc sẽ triển khai đề án "Xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đồng bào dân tộc Dao tại xã Ba Vì (huyện Ba Vì) giai đoạn 2015-2020 và những năm tiếp theo đã được thành phố phê duyệt. Cùng với đó, Ban sẽ hoàn thành xây dựng đề án "Nâng cao nhận thức pháp luật và chính sách dân tộc cho cán bộ làm công tác dân tộc và đồng bào DTTS trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2016-2020"; đề án "Đánh giá việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn TP Hà Nội từ 2008-2015; đề xuất giải pháp thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020"... Những nhiệm vụ này sẽ được Ban Dân tộc tập trung thực hiện với quyết tâm cao nhất nhằm nỗ lực giảm khoảng cách giữa miền núi với thành thị, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS, miền núi ở Thủ đô.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Nguyên Hoa