Khơi dậy niềm đam mê học tập
Giáo dục - Ngày đăng : 07:10, 13/02/2016
Khai bút đầu xuân là một nét đẹp văn hóa. Những nét chữ xuân mới hướng con người đến với cái Đẹp, cái Thiện, khơi gợi hy vọng về sự thành đạt, viên mãn… Đây cũng là nghi lễ thể hiện truyền thống hiếu học, tôn trọng đạo học của người Việt Nam. Khai bút đầu năm còn là để nhắc nhở các thế hệ cháu con người Việt nhớ về cội nguồn, giáo dục lòng yêu nước, đạo làm người, khơi dậy niềm đam mê học tập để góp phần xây dựng đất nước phồn vinh.
Anh Hoàng Trọng Thanh và con trai Hoàng Anh Thái (ở Hà Đông) đã có mặt từ sáng sớm để dự lễ khai bút đầu Xuân Bính Thân. Ảnh: Hữu Nghị |
Bạn tôi có con gái lớn năm nay học lớp 8, cũng từng ấy năm liên tục, cứ vào dịp Tết là lại dẫn con vượt gần trăm cây số từ Thái Nguyên về Hà Nội để đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám xin chữ. Người Việt ở đâu cũng vậy, dù ở vùng miền nào thì sự học, đạo học luôn được đề cao. Bao nhiêu thăng trầm của lịch sử đi nữa thì tinh thần hiếu học vẫn được coi trọng, vẫn được nuôi dưỡng trong mọi gia đình, cộng đồng và trong xã hội. Năm 1945, từ một đất nước có đến 94% dân số mù chữ, hưởng ứng lời kêu gọi diệt "giặc dốt" của Bác Hồ, đến năm 2000, 94% dân số đã biết đọc, biết viết; tới nay, cả nước đang tiến tới phổ cập bậc trung học.
Thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng đòi hỏi những chủ nhân tương lai của đất nước phải là những công dân có đức - tài, giàu tri thức, vững kỹ năng để sáng tạo và chủ động trong công việc của chính mình để góp phần dựng xây đất nước. Các thành viên của Ủy ban Quốc tế về giáo dục thế kỷ XXI thống nhất nhận định: Xã hội hiện đại phải là xã hội của tri thức và kỹ năng. Tri thức và kỹ năng là nhân tố quan trọng nhất đối với tăng trưởng kinh tế. Nhà kinh tế học R.Solow, người được giải thưởng Nobel đã phát hiện ra một điều rất thú vị: Tỷ lệ đầu tư cho việc nâng cao năng suất lao động gồm 1/8 là vốn, phần còn lại, cơ bản là nhờ vào tri thức. Rõ ràng, động lực của tăng trưởng bắt nguồn từ tích lũy tri thức.
Thực tiễn khẳng định: Những điều học trong nhà trường phổ thông chỉ là tri thức nền tảng, để phát triển toàn diện, trở thành những công dân học tập thì mỗi người cần phải học tập thường xuyên, suốt đời và phải biết cần gì học nấy, kịp thời trau dồi, bổ sung những điều mình cần trên chặng đường lập nghiệp. Để trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Việt Nam đã xác định tập trung phát triển kinh tế tri thức, coi giáo dục đào tạo là động lực của sự nghiệp CNH-HĐH. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (2001) của Đảng khẳng định: "Đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân bằng những hình thức giáo dục chính quy và không chính quy, thực hiện "giáo dục cho mọi người", "cả nước trở thành một xã hội học tập". Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đặt mục tiêu "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo", xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập.
Xây dựng xã hội học tập theo hướng "thực học, thực nghiệp" được xác định là mục tiêu xuyên suốt, cốt lõi trên chặng đường xây dựng, phát triển đất nước. Xây dựng xã hội học tập nhằm "phát triển mọi tiềm năng sẵn có ở mỗi con người Việt Nam", phát huy nội lực của người học bằng tự học, tự rèn luyện, tự lập nghiệp, khai thác và phát triển những nguồn lực xã hội để hướng tới thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Mục tiêu ấy đòi hỏi ngành Giáo dục phải chuyển đổi phương thức giáo dục từ truyền tải kiến thức sang coi trọng việc rèn kỹ năng, phương pháp tự học. Điều này đã được khẳng định tại Nghị quyết 29-NQ/TƯ.
Xây dựng xã hội học tập là hướng đi tất yếu của giáo dục Việt Nam, nhằm rút ngắn khoảng cách để theo kịp các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Đây cũng chính là cách thức thiết thực gắn kết giữa mục tiêu phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, tạo ra môi trường thuận lợi để huy động sức mạnh của toàn dân tộc, phát huy truyền thống hiếu học, bồi dưỡng nhân tài, tạo động lực xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.