Nghe rối nước nói chuyện nhân gian

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:51, 13/02/2016

(HNM) - Ao làng những ngày đầu năm mới luôn náo nhiệt. Đàn ông, đàn bà, cụ già, trẻ em… chẳng hẹn mà tụ cả về đây, quanh chiếc ao làng nơi có ngôi thủy đình lợp ngói âm dương, nơi lưu giữ những ký ức đồng chiều cuống rạ, ký ức của làng quê.


Mùa diễn rối nước được ấn định cùng với thời gian làng vào hội, khi người nhà nông đã ngơi việc đồng áng, bớt việc cấy cày để tâm trí hướng cả về những hoạt động mang tính cộng đồng làng xã như ngàn đời nay vẫn thế. Hội làng, ngoài những đu tiên, đấu vật, cờ người… cả làng vẫn ngóng đợi một trò vui từ thuở xa xưa. Dường như cảm được nỗi mong chờ ấy, ngay từ trong năm, các phường rối nổi tiếng khắp dải đất Xứ Đoài như Chàng Sơn, Bình Phú (Thạch Thất)… vùng đồi gò Tế Tiêu (Mỹ Đức) hay cận kề kinh thành Thăng Long xưa là Đào Thục (Đông Anh); làng Nành (Gia Lâm)… đã rốt ráo tập luyện. Tìm đến một vài phường rối trước thời điểm "mở màn biểu diễn", để tâm hồn lắng trong những tích cũ, trò xưa, nghe tâm tư, ước vọng của người nghệ sĩ bình dị để phần nào hiểu được vì sao, một môn nghệ thuật đã nghìn năm tuổi, vẫn giữ nguyên vẹn sự hồn nhiên, trong trẻo, nét thanh xuân mãnh liệt đến vậy!

Ông Nguyễn Hữu Chính và một quân trò rối nước.


Người nhà ông Nguyễn Hữu Chính (Phường rối làng Ra, Bình Phú, Thạch Thất) vừa cười, vừa mách: "Cô không tới sớm mấy hôm mà xem các ông ấy bày quân trò đầy sân để kiểm tra, chỉnh sửa. Nhiều tới mức không có lối mà đi". Như để thanh minh, ông đang bận việc tủm tỉm tiếp lời: "Không vậy để nhỡ nhàng rồi hỏng việc làng, việc xã ư?". Sự cẩn trọng mang theo niềm đam mê của các thành viên phường rối. Từ trong năm, phường rối làng Ra đã túc tắc nhận hợp đồng biểu diễn quanh vùng vào lúc giêng, hai, chưa kể suất diễn quan trọng bậc nhất được ấn định tại Lễ hội Chùa Thầy (ngày 7 tháng Ba âm lịch), nơi thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, ông tổ nghề rối. Tục lệ này đã được người làng duy trì hàng trăm năm như thể hiện sự thành kính, biết ơn với người truyền nghề, dựng nghiệp cho làng. Nghiệp tổ trao truyền cũng là động lực giúp cho rối nước làng Ra, dẫu trải qua nhiều thăng trầm, vẫn được các thế hệ người Bình Phú tiếp nối, chưa khi nào mai một.

Sinh trưởng trong môi trường nghệ thuật dân gian như thế, ngay từ nhỏ, ông Nguyễn Hữu Chính (một trong ba người tạo quân trò cho rối nước làng Ra hiện giờ) đã thuộc làu các tích, biết cách làm ra những quân trò đẹp mắt, đồng thời bộc lộ kỹ năng đáng nể về biểu diễn rối nước. Bao năm qua, ông cùng các thành viên trong phường vừa duy trì những tích trò cổ gợi nhớ đời sống làng quê từ thuở xa xưa, vừa sáng tạo thêm nhiều quân trò khắc họa cuộc sống hiện đại. Dù sáng tạo bay bổng đến đâu, rối làng Ra vẫn luôn giữ một đặc điểm chung là nét an nhiên, hồn hậu… với tinh thần hướng thiện của giáo lý nhà Phật. Ông Chính nói: "Nụ cười của rối chính là đặc điểm để người ta nhận ra rối nước làng Ra cũng như những phường rối khác, nơi được học nghề từ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, hay còn gọi là rối Phật. Đây cũng chính là nụ cười nhân gian, được chính những người nông dân, đúc kết, lưu giữ lại từ bao đời nay".

Phải giữ lửa nghề

Ông Phạm Văn Bể vẫn thường nói với anh Phạm Văn Bằng, người đang thay ông tiếp quản phường rối Tế Tiêu (Mỹ Đức) như vậy. Ấy là ông nhắc khéo cậu con trai út, liệu thu xếp công việc để lo cho phường rối. Mấy năm nay, do tuổi cao, ông không còn đủ sức dự vào các phần việc của phường cũng như tham gia biểu diễn, nhưng cái nghiệp không thể xa rời, cái say với nghề chưa bao giờ vợi bớt. Mỗi khi nhúc nhắc được chân tay, ông lại lần giở quân trò, lau chùi, xem xét, có khi cả buổi không nghỉ. Anh Bằng thừa nhận: "Nhìn ông lọ mọ vậy tôi thương lắm, luôn dặn mình phải quyết trí theo nghề, làm cho nổi hơn, để ông được vui lòng".

Và ông Bể vui lòng thật! Nhiều năm qua, anh Phạm Văn Bằng, dù mưu sinh bằng nghề sửa chữa đồ điện tử nhưng vẫn duy trì hoạt động ổn định cho phường rối Tế Tiêu. Ngoài việc biểu diễn mỗi năm một tháng tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (luân phiên cùng hơn 10 phường rối khác), phường còn nhận biểu diễn lưu động tại nhiều địa phương trên cả nước, mà dịp đầu năm mới luôn là lúc bận rộn nhất. Anh Bằng kể: "Bận mấy mà có người gọi là chúng tôi lại thu xếp để lên đường. Mỗi chuyến đi diễn có khi vài ngày, một tuần. Vất vả, mệt nhọc có đủ nhưng niềm vui, hạnh phúc cũng nhiều. Đó là vì khán giả ngày nay vẫn dành nhiều tình cảm với múa rối, đặc biệt là các em nhỏ, dù thời nay không thiếu những trò chơi tân tiến, hấp dẫn. Riêng tôi, còn có niềm vui khác, được truyền từ ông cụ thân sinh cũng là thầy dạy nghề cho tôi. Mỗi khi thấy con trở về sau một suất diễn, cụ phấn khởi lắm, luôn miệng nói: Tốt lắm. Cố lên con! Bảo sao tôi không vui, không cố cho được?".

Điều khiến rối nước, giữa muôn vàn trò chơi giải trí dân gian, hiện đại, vẫn chiếm một vị trí trong lòng khán giả bao đời, là bởi không chỉ mang tính giải trí đơn thuần, rối nước còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống hiện hữu suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Anh Bằng tâm sự: "Người ta thường nói "đánh trống, múa rối" để chỉ những người làm việc qua loa, đại khái, không tới nơi, tới chốn". Thực chất nghề này đâu phải vậy. Nó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật tạo hình, kỹ thuật điều khiển rối cùng kỹ năng biểu diễn của người nghệ nhân. Để có được sự "ăn khớp" này, người quản trò, phải có năng khiếu và phải trải qua quá trình luyện tập bền bỉ mới có thể thành thục. Nói cách khác, nếu không kiên trì, nhẫn nại, tận tâm với nghề thì khó lòng theo được". Đây cũng chính là trở ngại lớn của không chỉ phường rối Tế Tiêu trong nỗ lực truyền nghề, giữ lửa cho rối. Lớp người theo học nghề rối, dù lúc đầu rất hào hứng, sau rồi, trụ lại không được bao người. Quân số ở các phường rối trong thành phố hiện nay chỉ quanh 12-20 thành viên, trong đó, lớp người cao tuổi chiếm số đông. Ông Chính (Phường rối làng Ra) cho biết: "Nhiều năm qua, chính quyền xã vẫn để người phường rối tự chèo chống, gìn giữ di sản mà không có một sự hỗ trợ nào. Tiếc nhớ di sản, không muốn có lỗi với người xưa cũng như để lỡ một niềm vui ngày hội của khán giả mà nhiều thành viên phường rối, cuộc sống còn không ít khó khăn, vẫn lạc quan theo nghề".

Tình yêu, trách nhiệm với di sản đã và đang là chất liệu giúp nghệ thuật rối nước có sức sống bền bỉ theo thời gian. Sinh ra từ đồng ruộng, ao chuôm lại được chính những người nông dân thuần phác gìn giữ một cách hồn nhiên, không toan tính, múa rối nước, vì thế, vẫn giữ được những nét thuần phác, ngọt ngào, tươi mới từ thuở khai sinh. Như nhiều nghệ nhân múa rối nước thừa nhận: Được đắm mình trong không gian rối nước những ngày đầu xuân, chứng kiến nụ cười cùng tiếng reo vỡ òa của đám đông lúc chú Tễu vén màn, cất lời chào muôn thuở, là niềm vui khôn tả với người phường rối. Còn người yêu thương, trân trọng môn nghệ thuật dân gian, mộc mạc này, người phường rối còn gìn giữ, trao truyền, để mỗi khi Tết đến Xuân về, giêng hai mở hội, rối lại được nở nụ cười và kể chuyện nhân gian.

Thanh Thủy