Đồng bộ chuyên nghiệp hóa y tế: Đòi hỏi cấp thiết

Xã hội - Ngày đăng : 07:26, 12/02/2016

(HNM) - Trong những năm qua, ngành Y tế nước nhà đã có nhiều bước đột phá, ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật cao, đem lại sự hài lòng cho người bệnh.

Trình độ đã được khẳng định

Những ngày cuối năm 2015, sự kiện các bác sĩ của Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện (BV) Bạch Mai) đã xạ phẫu điều trị thành công khối u trong não bệnh nhân P.M 74 tuổi (quốc tịch Thái Lan) trở thành niềm tự hào, niềm vui chung của ngành Y tế nước nhà.

Sử dụng các trang thiết bị hiện đại vào khám, chữa cho người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Hữu Oai


Trước khi sang Việt Nam, ông P.M có tiền sử mổ u dây thần kinh số VIII bên trái tại một BV của Thái Lan. Tuy nhiên, sau phẫu thuật không những khối u không thuyên giảm mà còn tái phát tại chỗ, chèn ép, bịt kín ống tai trong, gây điếc hoàn toàn tai trái. Không những vậy, khối u còn xâm lấn dây thần kinh số VII bên trái, gây liệt mặt trái. Sau nhiều cuộc hội chẩn với các chuyên gia y tế hàng đầu của Thái Lan cũng như nhiều nước trên thế giới, ông P.M quyết định gửi niềm tin vào Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (BV Bạch Mai). GS.TS Mai Trọng Khoa cho biết, sau phẫu thuật thành công, ông P.M thực sự ngưỡng mộ trình độ chuyên môn và tay nghề của các bác sĩ Việt Nam. Đây không chỉ là niềm động viên, an ủi vô cùng lớn lao mà còn là động lực để những người thầy thuốc tiếp tục cố gắng hoàn thành sứ mệnh chữa bệnh, cứu người.

Đó chỉ là một trong số những trường hợp bệnh nhân người nước ngoài đến chữa bệnh tại Việt Nam và không phải là thành tựu y học duy nhất của nước ta được quốc tế thừa nhận đánh giá cao. Trong nhiều năm qua, ngành ngoại khoa Việt Nam và nhiều ngành y học khác đã đạt tới trình độ mà thế giới cũng phải kính nể. Ca ghép tạng "xuyên Việt" được các y bác sĩ BV Hữu nghị Việt - Đức thực hiện thành công trong năm 2015, một lần nữa khẳng định trình độ chuyên môn và "tay nghề" của các thầy thuốc nước nhà. Ca ghép tạng này cũng được chính những người trong nghề đánh giá là "độc nhất, vô nhị". Sự "độc" ở đây là người hiến tặng tạng ở TP Hồ Chí Minh, còn người nhận tạng ở Hà Nội, cách nhau hơn 1.700km, nhưng với năng lực chuyên môn, hết mình vì bệnh nhân, các y bác sĩ đã đem lại sự sống cho 2 người bị suy gan, suy tim.

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Y tế, những năm gần đây, tiến bộ y học nước nhà đã phần nào bắt kịp trình độ thế giới như: Sản xuất được một số vắc xin mới; thành công về ghép đa tạng, ghép tim và các bộ phận cơ thể người, ghép tế bào gốc, ứng dụng rô bốt phẫu thuật; đồng thời ngăn chặn có hiệu quả không để các dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập vào nước ta. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế. Đáng chú ý, lần đầu tiên Bộ Y tế triển khai 3 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm, dược và trang thiết bị y tế. Nhiều loại kỹ thuật y khoa đủ sức đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe, trong khi chi phí rẻ hơn từ 5 đến 10 lần so với thế giới. Nhiều bệnh nhân ở nước ngoài, trong đó có cả Việt kiều đang tìm về Việt Nam vừa kết hợp du lịch, vừa điều trị bệnh... PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, "tay nghề" cũng như y đức của những người thầy thuốc nước nhà đang nhận được sự tin tưởng.

Cần đồng bộ chuyên nghiệp hóa

Dù đã có những tiến bộ, nhưng sự chuyên nghiệp của cả ngành vẫn chưa đồng bộ, đòi hỏi đẩy mạnh chuyên nghiệp hóa để bắt kịp trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, đó là tình trạng quá tải tại các BV tuyến trung ương và BV các thành phố lớn còn cao, nhất là tại các chuyên khoa tim mạch, ung bướu, chấn thương chỉnh hình và sản, nhi. Hệ thống y tế cơ sở còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực và cơ chế, chính sách. Hoạt động của hệ thống y tế dự phòng chưa được đầu tư thỏa đáng và mô hình tổ chức của y tế dự phòng thiếu sự gắn kết với hệ thống điều trị, nên hiệu quả phòng, chống dịch bệnh chưa cao.

Dù được đầu tư khá lớn, đến nay cơ sở hạ tầng của ngành Y tế vẫn chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) của người dân. Tỷ lệ giường bệnh của nước ta hiện mới đạt 24,5 giường bệnh/vạn dân, khá thấp so với các nước trong khu vực. Do vậy, thúc đẩy đầu tư phát triển cơ sở KCB, giảm quá tải BV, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám và điều trị của người dân tiếp tục là mục tiêu quan trọng. Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên cho biết, nếu mục tiêu đến năm 2020 đạt 26 giường bệnh/vạn dân thì cần đầu tư thêm từ 22.000 đến 23.000 giường BV công lập (tương đương 22-23 BV quy mô 1.000 giường).

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lưu Thị Liên, hiện có 10 BV thuộc ngành y tế Thủ đô được UBND thành phố và Sở Y tế Hà Nội đồng ý với đề xuất vay vốn ngân hàng để mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Tổng số tiền mà 10 BV dự kiến vay vào khoảng hơn 800 tỷ đồng; trong đó có 3 BV (BV Ung bướu, BV Da liễu, BV Đa khoa Hòe Nhai) vay vốn để mở rộng, còn lại 7 BV khác chủ yếu vay vốn để đầu tư trang thiết bị y tế. BV Ung bướu là một trong 10 BV của Hà Nội tiên phong việc triển khai vay vốn ngân hàng để nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất. Nhờ nguồn vốn vay, BV Ung bướu Hà Nội đã triển khai kỹ thuật xạ trị điều biến liều (IMRT) trong điều trị ung thư. Kỹ thuật này được BV trang bị với kinh phí khoảng 35 tỷ đồng.

Thu Trang