Nối dài những thảm cây xanh
Đời sống - Ngày đăng : 07:01, 12/02/2016
Hưởng ứng Tết trồng cây Xuân Bính Thân 2016, Hà Nội sẽ tạo thêm những khoảng xanh tại các khu đô thị, bổ sung cây xanh trên nhiều tuyến phố. Ảnh: Hải Anh |
1. Ngày 28-11-1959, nhân dịp thi đua lập thành tích mừng Đảng ta 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi nhân dân cả nước: "Bên đợt thi đua ấy, chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày "Tết trồng cây". Việc này tốn kém ít mà lợi ích nhiều". Người đề nghị 11 triệu người từ 8 tuổi trở lên ở miền Bắc trồng một hoặc vài ba cây và khẳng định nếu làm được như vậy, trong 5 năm từ 1960 đến 1965, "chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà". Như vậy, việc trồng cây mang lại nhiều nguồn lợi kinh tế to lớn, góp phần cải thiện đời sống của nhân dân ta. Bác Hồ cũng sớm thấy rõ mối quan hệ gắn bó giữa trồng cây, trồng rừng với bảo vệ môi trường, khí hậu. Chính vì vậy, Người động viên nhân dân cả nước ra sức trồng cây để "Chắn gió phục vụ thâm canh lúa, bảo vệ đê, chống xói mòn, chống cát bay…" và khẳng định: "Những dải rừng được trồng ở ven biển, dọc đường giao thông, trong thôn xóm, đã có tác dụng lớn".
Năm 1965, đế quốc Mỹ ném hàng vạn tấn bom đạn và rải chất độc hóa học xuống nhiều vùng rừng núi của nước ta nhằm hủy diệt môi sinh, phá hoại hàng triệu héc ta rừng của nước ta. Để sớm khôi phục những cánh rừng của đất nước, ngày mùng 1 tết Ất Tỵ năm 1965, Bác Hồ đã phát động Tết trồng cây.
Phát huy truyền thống đó, nhiều năm qua các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cả nước đã hưởng ứng và tham gia tích cực phong trào trồng cây xanh và trồng, bảo vệ rừng. Qua đó đã phủ xanh được hàng triệu héc ta rừng, trồng mới được hàng chục nghìn héc ta cây ăn quả... thực sự mang lại nhiều lợi ích to lớn, góp phần nâng cao độ che phủ rừng, cải thiện môi trường sinh thái và trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta.
Trồng bổ sung, thay thế cây xanh trên phố Quang Trung (Hoàn Kiếm). |
2. Hưởng ứng Tết trồng cây, tại Hà Nội, mỗi năm đã trồng được từ 800 nghìn đến 1,2 triệu cây xanh phân tán, cây ăn quả các loại. Theo ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, phong trào trồng cây đầu xuân được triển khai rộng khắp từ nội thành đến nông thôn. Mỗi năm, mỗi địa phương trồng mới từ 20 nghìn đến 50 nghìn cây xanh các loại. Đặc biệt, ngày mùng 6 Tết hằng năm đã trở thành ngày phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ". Những năm gần đây, diện tích rừng tại Sóc Sơn, Ba Vì ngày càng tăng, nhiều di tích lịch sử, khu đô thị mới đã được phủ xanh. Tuy nhiên, trên nhiều đường phố khu vực trung tâm đô thị vẫn còn một số khoảng trống chưa được bổ sung cây và vẫn thiếu những mảng xanh. Và ở một góc độ khác, có thể thấy phong trào Tết trồng cây ở khu vực nội đô vẫn thiếu sức lan tỏa. Do vậy, năm nay, từ chỉ tiêu thành phố giao, các quận đã tính toán việc tăng mật độ cây xanh cho khu vực đô thị để mai đây Hà Nội sẽ có những thảm xanh trải từ khu vực trung tâm tới các vùng ngoại thành.
Cũng theo ông Đào Duy Tâm, trong năm 2016, TP Hà Nội giao chỉ tiêu cho các quận, huyện, thị xã trồng hơn 800 nghìn cây xanh phân tán, cây ăn quả các loại; trong đó triển khai phát động "Tết trồng cây" trong 5 ngày, từ ngày 13 đến 17-2 (tức từ mùng 6 đến mùng 10 tháng Giêng) và triển khai trồng cây tới hết mùa xuân 2016 và trồng cả ở khu vực nội thành và ngoại thành.
3. Tết trồng cây Xuân Bính Thân 2016 là năm thứ ba Hà Nội thực hiện Năm trật tự văn minh đô thị. Năm nay cũng là năm thành phố phân cấp mạnh việc quản lý vỉa hè, lòng đường, vườn hoa, cây xanh cho các quận, huyện. Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cho biết: Hoàn Kiếm hưởng ứng Tết trồng cây cùng việc đón nhận phân cấp quản lý hơn 150 tuyến phố, hàng chục vườn hoa trên địa bàn. Việc phân cấp giúp quận chủ động trong việc chỉnh trang, thay thế, trồng bổ sung thêm cây xanh trên các tuyến phố, trường học, vườn hoa, tạo bóng mát và làm đẹp không gian đô thị.
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu cho biết: Hoàng Mai phát động Tết trồng cây vào ngày làm việc đầu tiên của năm mới Bính Thân (15-2), 14 phường cùng hưởng ứng. Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa, được tổ chức hằng năm. Năm nay, Hoàng Mai chọn trồng những cây khỏe, phù hợp với đô thị nhằm tăng thêm các khoảng xanh, tạo môi trường cảnh quan. Và quan trọng hơn là tạo ra nhận thức mới cho các cấp chính quyền và người dân về môi trường, đặc biệt là môi trường đô thị, trong đó có cây xanh. Trồng cây, chăm sóc cây xanh phải là việc làm thường xuyên của mỗi người dân, mỗi cộng đồng dân cư.
Theo Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú, Tết trồng cây đã trở thành một nét đẹp văn hóa mang tính giáo dục cao. Đặc biệt, trong năm 2016, huyện Phúc Thọ có nhiều đổi mới trong triển khai Tết trồng cây như: Không tổ chức phát động trồng cây tại trụ sở UBND huyện mà tổ chức phát động đồng loạt tại các xã, thị trấn nhằm tạo ra không khí thi đua sôi nổi, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm. Mỗi địa phương chọn nơi công cộng để trồng cây thành hàng hoặc vườn tập trung với số lượng tối thiểu là 50 cây xanh; đồng thời tuyên truyền tới toàn dân, nhất là học sinh, thanh thiếu niên tích cực tham gia chăm sóc và bảo vệ cây xanh. Mùa xuân 2016, nhân dân huyện Phúc Thọ phấn đấu trồng 40 nghìn cây xanh các loại.
Các địa phương như: Thạch Thất, Chương Mỹ, Quốc Oai, Sơn Tây, Ba Vì… đi đôi với kế hoạch trồng cây xanh, cây ăn quả, còn đẩy mạnh việc thực hiện đề án trồng rừng thay thế. Huyện Thạch Thất đã chuyển đổi được 42ha rừng keo, bạch đàn giá trị kinh tế thấp sang trồng rừng sinh thái kết hợp trồng cây ăn quả dưới tán rừng. Mục tiêu trong năm 2016, thành phố phấn đấu trồng thay thế và chuyển đổi được 100ha rừng, góp phần nâng độ che phủ rừng trên địa bàn thành phố và nâng cao giá trị kinh tế cho nhân dân các xã miền núi...
Nối dài những thảm cây xanh từ vùng lõi đô thị đến khu vực nông thôn không chỉ là mong muốn của các nhà quy hoạch. Với những điểm mới từ việc triển khai hưởng ứng Tết trồng cây Xuân Bính Thân 2016, hy vọng trong một tương lai không xa Hà Nội sẽ xanh hơn, đẹp hơn!