Báo chí trong thời đại công nghệ số: Không thể tách rời trách nhiệm

Đời sống - Ngày đăng : 09:06, 11/02/2016

(HNM) - Sự lớn mạnh của Báo chí Cách mạng Việt Nam là một minh chứng của việc báo chí ra đời, phát triển gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng với Báo chí Cách mạng là tất yếu, đặc biệt, trong bối cảnh

Các phóng viên tác nghiệp tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI. Ảnh: Viết Thành


Những cái nhìn mới

Sự tác động rõ rệt của công nghệ với hiệu quả truyền thông là không thể phủ nhận: Nhanh hơn với dòng thông tin luân chuyển 24/24 giờ mỗi ngày, đa dạng hơn với nhiều thể loại trong cùng một đơn vị báo chí, cởi mở hơn khi các loại hình báo chí truyền thống chủ động tiếp cận với các dạng thức chuyển tải mới như youtube… để mang sản phẩm của mình đến với công chúng.

Song, thời đại của facebook, thông tin đi bằng giây, chứ không phải bằng đôi chân trần gánh báo như thời chiến hay bằng các phương tiện giao thông hiện đại như thời bình. Nó đặt báo chí trước cuộc đua "nhanh", "nóng" và các yếu tố khác lập tức có nguy cơ bị chèn xuống thứ yếu.

Thực tế là "Nhà báo không còn quyết định những gì công chúng nên biết nữa", mà phải là "kiểm chứng thông tin nào là đáng tin cậy và sắp đặt chúng sao cho người dân có thể nắm bắt chúng một cách hiệu quả". Đây là những vấn đề đặt ra trong cuốn "Những yếu tố của báo chí" của Bill Kovachi và Tom Roenstiel (các nhà báo, chủ bút, quản lý dự án báo chí nổi tiếng của Mỹ) do Hội Nhà báo Việt Nam hợp tác chuyển ngữ tiếng Việt. Một câu chuyện chung của "Báo chí tự do trong thời đại điện tử". Đó là một thời đại "ai cũng có thể trở thành phóng viên hay nhà bình luận trên mạng". Nhưng "sự trỗi dậy của internet và truyền thông băng rộng không có nghĩa là quan niệm về sự phán xét tin tức đã trở nên lỗi thời như kiến giải của một số người. Chúng chỉ làm cho nhu cầu phán xét tin tức trở nên lớn lao hơn".

Và đây chính là mấu chốt cho thấy sự tất yếu cũng như sự cần thiết của vai trò lãnh đạo toàn diện, nhất quán, triệt để của Đảng đối với Báo chí Cách mạng Việt Nam, trước bối cảnh chung hết sức phức tạp của thế giới toàn cầu hóa. "Nóng", "nhanh" nhưng thông tin thiếu nhân văn, không có ích với người dân, với cộng đồng, với đất nước thì cũng là vô ích, thậm chí tai hại. Sự lãnh đạo của Đảng nhằm tạo động lực cho báo chí tăng cường khả năng kiểm chứng và khả năng đưa thông tin chân thực, có tính định hướng tới độc giả trong bối cảnh thông tin dễ nhiễu loạn như hiện nay.

Sự thay đổi tất yếu

Báo chí là một bộ phận tối quan trọng trong công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng. Trong 30 năm đổi mới, chúng ta có hàng loạt chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí, xuất bản; về tăng cường sự lãnh đạo, quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác báo chí, xuất bản; về tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý công tác báo chí; hay về phát triển, tăng cường quản lý báo chí điện tử và các loại hình truyền thông trên mạng internet. Đặc biệt, nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng cũng thể hiện rõ những bước tiếp cận sự vận động của báo chí.

Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi đã được Quốc hội thảo luận cuối năm 2015 cũng là một biểu hiện của việc cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng về báo chí. Từ những quy định chặt chẽ hơn về vai trò của người giữ trách nhiệm lớn nhất đối với từng cơ quan báo chí, đến những quy định cụ thể của liên kết báo chí, một thực tế của báo chí kỷ nguyên công nghệ… Tháng 9-2015, Bộ Thông tin - Truyền thông đã công bố Đề án quy hoạch phát triển quản lý báo chí đến 2025 với mục tiêu sắp xếp hệ thống báo chí (trong đó chú trọng báo điện tử) cũng nhằm phát huy sức mạnh đích thực của báo chí trong thời công nghệ.

Tất cả điều đó cho thấy, trong suốt chiều dài lịch sử Báo chí Cách mạng và đặc biệt là trong bối cảnh kỷ nguyên số đầy thách thức như hiện nay, Đảng ta đã dành sự quan tâm đặc biệt với báo chí, nhằm phát huy sức mạnh đích thực của báo chí đối với sự phát triển của đất nước. Sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí không chỉ thể hiện trong chỉ thị, nghị quyết, mà cần được thể hiện qua công tác chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan báo chí, của mỗi nhà báo. Kỹ thuật, công nghệ không phải là tất cả. Chỉ có sự nhạy cảm, kiến thức cũng như trách nhiệm công dân mới làm nên uy tín và tầm vóc nhà báo, của cơ quan báo chí và nền báo chí cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Cao Hải Giang