Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Gắn đào tạo với sử dụng

Giáo dục - Ngày đăng : 07:30, 06/02/2016

(HNM) - Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI đã xác định một trong các khâu đột phá chiến lược trong giai đoạn tới là tập trung đào tạo, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.



Để thực hiện điều này, vấn đề đặt ra không chỉ là đổi mới cơ chế giáo dục - đào tạo hay cơ chế, chính sách đãi ngộ, mà còn là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với lợi thế về nguồn nhân lực tập trung tại Thủ đô.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là đòi hỏi cấp thiết để đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô. Ảnh: Hải Anh


Hà Nội có ưu thế là nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), với hơn 1.000 giáo sư và phó giáo sư, 3.000 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, hơn 8.000 thạc sĩ, gần 11.000 cử nhân và khoảng 500.000 sinh viên chính quy các hệ. Đội ngũ trí thức ở các trường ĐH, CĐ đã có những đóng góp to lớn trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu, ứng dụng các lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN), thiết thực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đất nước. Mỗi năm, các trường đào tạo khoảng 50.000 sinh viên hệ ĐH và CĐ chính quy, 13.000 sinh viên hệ vừa học vừa làm, hơn 10.000 học viên cao học, gần 4.000 nghiên cứu sinh… bổ sung cho lực lượng trí thức hùng hậu của Thủ đô và đất nước.

Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Từ nhiều năm nay, Hà Nội đã áp dụng cơ chế đặc thù, tổ chức thi và tuyển chọn hàng trăm sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá trở lên và người có trình độ thạc sĩ để đào tạo cán bộ nguồn. Hằng năm, thành phố đều tổ chức lễ tuyên dương sinh viên xuất sắc, thủ khoa các trường ĐH, CĐ và có chính sách thu hút, tuyển dụng những sinh viên có kết quả học tập cao, tạo môi trường công tác tốt, thu hút những trí thức giỏi và động viên họ nỗ lực công tác, cống hiến. Nhiều đối tượng được ưu tiên tiếp nhận hoặc xét đặc cách tuyển dụng không qua thi tuyển, thành phố có chế độ hỗ trợ đãi ngộ một lần bằng 20 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm được tuyển dụng.

Bên cạnh những thuận lợi và cơ hội, Hà Nội cũng đang đứng trước những thách thức về chất lượng nguồn nhân lực, vấn đề "chảy máu chất xám" và phát huy các chính sách trọng dụng nhân tài. Năm 2015 là năm thứ 13 liên tiếp Hà Nội tổ chức tuyên dương các thủ khoa, thể hiện sự quan tâm của thành phố đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ cũng như tinh thần trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên, sau 12 lần tuyên dương, đã có 1.335 thủ khoa được vinh danh, nhưng chỉ có khoảng 10% số thủ khoa về làm việc tại các cơ quan hành chính của thành phố. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chia sẻ, mặc dù thành phố sẵn sàng tuyển dụng và có nhiều chính sách thu hút người tài, song những khảo sát cho thấy, phần lớn các em sau khi tốt nghiệp đại học đều có nguyện vọng tiếp tục học lên cao ở trong nước và nước ngoài, một số em được trường giữ lại làm giảng viên... Thực tế công tác của thủ khoa tại các cơ quan thành phố cũng cho thấy, bên cạnh một số em đáp ứng tốt yêu cầu của công việc và nhanh chóng được bổ nhiệm các vị trí cao hơn, cũng có người không thích ứng được với công việc hoặc chuyển hướng vì nhiều lý do khác nhau.

Trong một cuộc gặp gỡ các tài năng khoa học trẻ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cũng đã nêu ra những trăn trở của các nhà quản lý nói riêng và cả giới trí thức nói chung: Vì sao những người giỏi, đặc biệt là những người giỏi và trẻ lại không tham gia nhiều vào hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, trong khi Nhà nước rất cần người tài để xây dựng cơ chế chính sách? Vì sao nhiều người giỏi đi học ở nước ngoài lại không muốn về nước? Cũng trong sự kiện này, Phó giáo sư trẻ nhất nước năm 2013 Lê Anh Vinh (ĐH Quốc gia Hà Nội), đã thẳng thắn nhìn nhận: Trước hết nguyên nhân xuất phát "từ chính chúng tôi". Nhiều nhà khoa học trẻ trăn trở tìm hướng đi, nhưng việc thừa nhiệt huyết, thiếu kinh nghiệm, khiến một số thể hiện bằng phản ứng tiêu cực, dành nhiều thời gian ca thán và so sánh về điều kiện, môi trường làm việc. Nhưng lợi ích vật chất không phải là lý do cơ bản, mà quan trọng hơn là một môi trường làm việc, phát huy được tối đa khả năng sáng tạo, năng lực nghiên cứu của người làm khoa học. Đó là lý do khiến nhiều du học sinh ngần ngại, dù có mong muốn về nước làm việc. Dù mong muốn Nhà nước có lộ trình cụ thể về chính sách và chế độ tương xứng, nhưng Phó giáo sư Lê Anh Vinh cho rằng, các nhà khoa học trẻ không thể yêu cầu trường ĐH, viện nghiên cứu phải có cơ sở vật chất hoàn hảo, kinh phí, ngân sách dồi dào thì mới làm khoa học, mà trước hết phải đóng góp tích cực, góp phần tạo ra môi trường nghiên cứu phù hợp.

Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn đã bày tỏ những ý kiến tâm huyết với Thủ đô: Việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phụ thuộc vào nhiều phương diện, trong đó bao gồm cả nhu cầu nhân lực chất lượng cao của nền kinh tế, các chính sách khai thác, sử dụng nhân lực, chất lượng các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là động lực, mong muốn phát triển của cá nhân người lao động và động lực phát triển của tổ chức, đơn vị sử dụng người lao động. Theo ông Nguyễn Kim Sơn, trước hết, Hà Nội cần chuyển dịch mạnh hơn nữa cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành có hàm lượng công nghệ, tri thức cao như nông nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, đào tạo nghề trình độ cao... Việc chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế là phù hợp với lợi thế nhân lực đang tập trung tại Thủ đô, đồng thời tạo sức hút và động lực cho sự phát triển nhân lực chất lượng cao. Phát triển nguồn nhân lực và điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế theo hướng tận dụng, phát huy chất xám cần thực hiện song song. Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần xuất phát từ nhu cầu sử dụng cán bộ. Nếu việc hình thành nhu cầu sử dụng không đi trước việc đào tạo, nguồn nhân lực này sẽ lại tiếp tục bị "chảy máu", vì không có môi trường để phát huy. Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đương nhiên là việc vô cùng quan trọng, song thực tế, việc sử dụng hiệu quả và hợp lý nguồn nhân lực chất lượng cao còn có ý nghĩa quan trọng hơn.

Khánh Vũ