Về Thông tư 01/2016/TT-BCA: Cần làm rõ những vấn đề dư luận băn khoăn
Đời sống - Ngày đăng : 07:27, 06/02/2016
Ông Ngô Hưng Bình (KĐT Việt Hưng, quận Long Biên):
Cần làm rõ trưng dụng trong trường hợp, điều kiện nào
Khoản 6 Điều 5 Thông tư 01/2016/TT- BCA quy định quyền hạn CSGT được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật. Để thực hiện quy định pháp luật về trưng dụng, phải liên hệ với Luật Trưng mua, Trưng dụng 2008, quy định, việc trưng mua, trưng dụng tài sản chỉ được thực hiện trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia. Thẩm quyền trưng dụng cũng chỉ thuộc các lãnh đạo Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh và không được phân cấp cho ai khác. Vậy, chiến sĩ CSGT không có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản. Còn xét theo Luật Công an nhân dân và các văn bản hướng dẫn thi hành, thì quy định trong trường hợp cấp thiết để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, bảo đảm trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm… được huy động, trưng dụng phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Trong trường hợp cấp thiết, tôi tin người dân sẽ rất sẵn lòng hợp tác, phục vụ lực lượng công an. Tuy nhiên, Thông tư 01/2016/TT - BCA chỉ đề cập trưng dụng chung chung khiến người dân thắc mắc không biết trường hợp, điều kiện, hoàn cảnh nào được trưng dụng?
Luật sư Nguyễn Hồng Thái - Công ty Luật TNHH Hồng Thái và đồng nghiệp:
Người dân có quyền sở hữu và bảo vệ tài sản của mình
Hiến pháp và Bộ luật Dân sự đều quy định: Quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ; Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình; Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình, truy tìm, đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt không có căn cứ pháp luật. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, pháp nhân hoặc của chủ thể khác theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, mọi người còn có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, có quyền bí mật thư tín, điện thoại… Với một số quy định trong Thông tư 01/2016/TT- BCA trao quyền cho CSGT nhiều quá, nếu CSGT trưng dụng các loại phương tiện giao thông, thông tin liên lạc của cá nhân và tổ chức là vi phạm tài sản, quyền sở hữu cá nhân.
Ông Trần Long (phường Láng Thượng, quận Đống Đa):
Cách hiểu khác nhau sẽ dẫn đến nhiều cách làm khác nhau
Thông tư khi ban hành nhất thiết không được trái luật, khi áp dụng quy định cần tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về mục đích của việc làm này. Ai cũng hiểu mục đích Thông tư 01/2016/TT- BCA là nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho CSGT thi hành nhiệm vụ kịp thời và hiệu quả. Tuy nhiên, thông tư không quy định rõ trình tự thủ tục tiến hành việc trưng dụng tài sản dẫn đến việc mọi người hiểu theo nhiều cách khác nhau, người thực thi có nhiều cách làm khác nhau, dễ dẫn tới tình trạng lạm quyền, tiêu cực khi thi hành nhiệm vụ. Sẽ rất phức tạp trong các khâu xử lý chuyển tiếp sau đó. Điện thoại tôi đang ghi hình người vi phạm thì bị CSGT trưng dụng liệu có còn lưu giữ được bằng chứng khách quan. Số tài sản, hàng hóa để trong phương tiện bị trưng dụng không còn tồn tại khi trả lại phương tiện thì giải quyết ra sao? Tôi nghĩ không ai có thể trưng dụng phương tiện, thiết bị của người dân mà không có quyết định hoặc biên bản ghi nhận. Đã là văn bản quy phạm pháp luật thì phải có tính rõ ràng, không thể tùy tiện.
Bà Nguyễn Phương Lan (phố Yên Ninh, quận Ba Đình):
Không quy định rõ, khó thực hiện
Điều 5 Thông tư 01/2016/TT- BCA không có gì thay đổi so với Điều 5 Thông tư 65/2012/TT- BCA có hiệu lực thi hành từ 22-12-2012 đến hết ngày 14-2-2016. Nhưng sao Thông tư 65/2012/TT- BCA không gây "ầm ĩ" như Thông tư 01/2016/TT- BCA. Có hai trường hợp, khi việc này không được xới xáo lên thì ít người biết nên cũng ít bàn luận. Nhưng nhiều khả năng, dù Thông tư 65/2012/TT- BCA có hiệu lực thi hành từ cách đây 4 năm nhưng việc trưng dụng của CSGT chưa từng được áp dụng trên thực tế nên chưa xảy ra phản ánh, giải đáp thắc mắc cũng như kiến nghị bồi thường thiệt hại tài sản, phương tiện bị trưng dụng. Khi văn bản quy phạm pháp luật thiếu tính khả thi thì nên chỉnh sửa hoặc bãi bỏ.