Xuân mới đang về

Văn hóa - Ngày đăng : 06:47, 06/02/2016

(HNM) - Vạn vật chuyển động không ngừng, người người, nhà nhà hối hả chuẩn bị đón xuân. Những cung đường mùa xuân đang nườm nượp người xe. Ở đâu đó nơi góc đường, cuối phố, cái Tết ấm tình người cũng đang đến với những phận người bất hạnh…


Làng gói bánh chưng xanh

Hương vị ngày Tết nhắc chúng tôi nhớ về làng Tranh Khúc, xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì) bởi nơi đây có một nghề truyền thống là nghề gói bánh chưng. Hình ảnh quen thuộc, năm nào cũng có nhưng vẫn hấp dẫn nhiều người. Dịp cuối năm, nhà nào cũng chất đầy lá dong, gạo nếp, thịt lợn, đỗ xanh. Những nguyên liệu dùng làm bánh chưng được người làng Tranh Khúc chọn lựa kỹ càng. Chúng tôi vào thăm cơ sở sản xuất của bà Lý Thị Diệp, thuộc loại có tiếng trong thôn. Không khí làm việc, tất bật, cả gia đình và những người làm công luôn chân luôn tay chuẩn bị nguyên liệu, từ việc ngâm gạo, rửa lá dong, thái thịt, tước lạt giang... Việc gói bánh, chế biến nhân đỗ được giao cho những người tay nghề vững nhất. Vì theo người trong làng đây là những công đoạn đòi hỏi kỹ thuật cao và quyết định chất lượng bánh.

Hàng trăm chiếc bánh chưng vừa gói xong đang được đưa vào nồi luộc. Những chiếc bánh đã chín được hai người vớt ra xếp gọn gàng ở một góc sạch sẽ để chuẩn bị cho công đoạn hút chân không và đóng gói. Ở ngoài sân, những chiếc bánh mới tiếp tục ra lò bởi bàn tay nhanh thoăn thoắt của bà Diệp. Để bảo đảm tốc độ gói bánh nhanh nhất có thể, lá gói bánh đã được xếp sẵn, các khâu đãi gạo, đồ đậu xanh và thái thịt có đến 8 người. Những ngày áp Tết, lượng bánh đặt tăng theo cấp số nhân, trung bình phải gói từ 500 đến 1.000 chiếc một ngày nên cơ sở của bà Diệp phải huy động tất cả thành viên bên nội, bên ngoại sang giúp đỡ. Bà Lý Thị Diệp cho biết: "Vào vụ Tết gia đình phải làm đến hàng nghìn chiếc bánh với đủ chủng loại".

Chợ hoa Hàng Lược ngày giáp Tết. Ảnh: Xuân Phú


Những người làm đẹp đường phố

Ra khỏi không khí sôi động trong làng gói bánh chưng, chúng tôi bắt gặp sự cần mẫn của những người công nhân môi trường, người làm đẹp mọi ngả đường, ngõ phố. Đây là thời điểm họ phải căng sức nhất trong năm. Năm mới đang sầm sập đến gần, việc sắm sửa, dọn dẹp, trang hoàng… cho tổ ấm còn ngổn ngang, họ vẫn miệt mài với công việc, nỗ lực để có được kết quả tốt nhất cho nhiệm vụ được giao. Chị Nguyễn Thị Mai (Công ty TNHH Thương mại và Vệ sinh công nghiệp Sông Hồng) nói: Từ 23 tháng Chạp đến nay, chưa ngày nào chúng tôi được về trước 1, 2h sáng vì công việc quá nhiều.

Tại các đảo chỉ huy giao thông, những khu vực vui chơi giải trí, các nhóm công nhân đang miệt mài hoàn thiện từng chi tiết tạo điểm nhấn sinh động cho khung cảnh những ngày xuân mới. Năm nay, phần trang trí tiểu cảnh có thêm nhiều thiết kế với sự góp mặt của nhiều loại hoa xuân như: Thược dược, hải đường, đào, lan, đỗ quyên, trạng nguyên, cúc mâm xôi… cùng nhiều loài hoa mới, được chuyển về từ Đà Lạt. Bên cạnh nhiệm vụ giữ hoa tươi, đẹp, những công nhân này còn kiêm thêm công việc bảo vệ hoa, cây xanh. Chị Nguyễn Thị Viên (Xí nghiệp Quản lý cây xanh số 1- Công ty Công viên cây xanh Hà Nội) cho biết: "Vẫn còn nhiều người dân thiếu ý thức, vấn nạn mất trộm hoa diễn ra khá phổ biến khiến công nhân phải tăng cường trông coi, bảo vệ ngày đêm".

Cũng như nhiều công ty môi trường khác, để bảo đảm lượng rác không bị ùn ứ, Công ty cổ phần Môi trường đô thị Hà Đông đã lập kế hoạch cụ thể để ấn định những việc phải hoàn thành với mốc thời gian tính theo ngày. Ông Đinh Văn Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Môi trường đô thị Hà Đông cho biết: Trong những ngày áp Tết, lượng rác thải có thể tăng gấp 1,5 lần so với ngày thường. Chính vì vậy, từ 23 tháng Chạp đến hết ngày 29 Tết, Công ty huy động 100% lực lượng, làm việc ba ca, bảo đảm không có rác lưu cữu. Việc vận chuyển đất phế thải trên các tuyến đường và khu dân cư đã xong trước ngày 22 tháng Chạp và việc tưới nước rửa đường cũng được tăng cường, bảo đảm xong trước đêm 29 Tết. Công việc quét vôi gốc cây, quét sơn dải phân cách cũng đã được hoàn tất trên toàn địa bàn quận. Ngay trong đêm 29 Tết, Công ty sẽ huy động 200 công nhân thu dọn sạch các chợ cây, chợ hoa, sau đó tập trung làm sạch và thu gom rác ở khu vực bắn pháo hoa. Dự kiến, đến khoảng 3, 4h ngày mùng Một Tết, công việc sẽ hoàn thành.

Giữ cho mùa xuân yên vui

Dòng người đổ ra đường vào những ngày cuối năm mỗi lúc thêm đông. Để bảo đảm giao thông thông suốt, ngày 2-2 vừa qua, Giám đốc CATP Hà Nội ban hành Mệnh lệnh số 02/ML - CAHN-PV11, tăng cường lực lượng bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị từ 6h đến 21h hằng ngày trong thời gian trước, trong và sau dịp tết Bính Thân 2016. CATP Hà Nội sẽ tăng cường 300 CSCĐ, 50 CS bảo vệ, 40 CSTT trên mọi ngã tư đường phố.

Thủ đô Hà Nội đã được trang trí rực rỡ chào đón Xuân Bính Thân 2016. Ảnh: Khánh Huy


Từ chiều ngày 3-2, các chốt ngã tư đã có thêm nhiều lực lượng tham gia điều tiết giao thông. Bạn Hoàng Mạnh Tân, học viên Trường T32- Bộ Công an cho biết: "Kỳ thực tập kéo dài đến hết tết Nguyên đán nên tôi sẽ học được nhiều điều từ thực tế, từ các động tác điều khiển giao thông đến những phương pháp đóng mở luồng xe sao cho hợp lý". Còn Hạ sĩ Bùi Trung Sơn - C19, Trung đoàn CSCĐ, CATP Hà Nội nói với chúng tôi, khi được đơn vị giao nhiệm vụ thực hiện Mệnh lệnh 02, một lần nữa tôi lại lỗi hẹn cùng người yêu đi sắm Tết và ra mắt gia đình cô ấy. Nhưng người yêu và gia đình cô ấy rất cảm thông nên tôi yên tâm hoàn thành nhiệm vụ".

Còn với Thiếu úy Vũ Mạnh Cường, tết Bính Thân này cũng như nhiều năm trước liên tiếp đón Tết muộn. Tổ hành chính Đội CSGT số 7 có khoảng 16 cán bộ chiến sĩ phần lớn là phụ nữ và anh em ở quê xa. Nhà Thiếu úy Cường ở ngay quận Thanh Xuân, gần đơn vị nhất nên năm nào cũng được "ưu ái" đổi cho ca trực vào đúng ngày Ba mươi và mùng Một Tết. Khi nhắc đến chuyện đón Tết muộn, Thiếu úy Cường nhoẻn cười: "Cũng phải hết sức cảm thông khi bên cạnh mình còn nhiều đồng đội, đồng chí có hoàn cảnh khó khăn hơn".

Thêm những mái nhà ấm tình người

Nhiều ngày qua, hưởng ứng chương trình giúp đỡ người vô gia cư, người nghèo dịp Tết mang tên "Hãy gõ cửa" của Đài Truyền hình Việt Nam, nhiều trường đại học trên địa bàn Hà Nội đã mở cửa ký túc xá đón tiếp người vô gia cư như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính, KTX Pháp Vân, Đại học Quốc gia Hà Nội... Ông Cấn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm dịch vụ hỗ trợ đào tạo - Đại học Kinh tế quốc dân cho biết mới tiếp nhận 2 người vô gia cư là bà Nguyễn Thị Thu Hằng (45 tuổi) ở Thanh Trì và ông Nguyễn Văn Quyết (61 tuổi) ở Thường Tín. Ông Quyết hằng ngày sửa chữa xe đạp và bà Hằng bị mù một mắt cũng làm nghề tự do quanh khu vực đường Giải Phóng. Cả hai người đều được các bạn sinh viên đưa về khi đang nằm ngủ ngoài đường trong đêm giá rét. Ông Tuấn cho biết thêm, người vô gia cư được mời về, có chỗ ăn chỗ ngủ tử tế, có đầy đủ đồ dùng sinh hoạt và khai báo tạm trú với chính quyền địa phương. Sau khi biết được tin nhà trường sẵn sàng giúp đỡ người vô gia cư, người không có điều kiện về quê ăn Tết, có nhiều nhà hảo tâm đã đến hỗ trợ, trong đó có một nam công nhân đi xe máy từ Bắc Ninh đến trung tâm gửi 1 triệu đồng cho những người kém may mắn. Bắt đầu từ ngày 1-2 cũng là ngày sinh viên chính thức được nghỉ Tết, các trường đại học trên địa bàn Thủ đô bắt đầu mở cửa khu ký túc xá đón người vô gia cư.

Chiến dịch này kết thúc tùy theo thời gian sinh viên trở lại trường học, tuy nhiên, đa số đều qua ngày mùng sáu Tết. Những hoàn cảnh khó khăn, có thể đến trực tiếp hoặc đăng ký với ban quản lý khu ký túc xá của trường để ở lại đây đón Tết. Nhà trường cũng tạo điều kiện để người dân có thể đến động viên thăm hỏi những hoàn cảnh khó khăn.

Và phiên chợ đêm áp Tết

Khi màn đêm buông xuống, chợ đêm nông sản bắt đầu một phiên mới. 21h ngày 25 tháng Chạp, tại chợ đêm nông sản Văn Quán (Hà Đông) mới túc tắc những chuyến xe ra vào. Nhưng chỉ một giờ sau đó, xe tải đã nườm nượp chở hàng về. Mọi thứ rau, củ, quả như: Dưa cải, xúp lơ, cà rốt, cà chua, khoai tây, củ đậu… nhanh chóng được các chủ hàng chuyển xuống chợ. Thời điểm các thương lái đến lấy hàng dồn dập vào khoảng từ 1h đến 3h, để rồi đến tờ mờ sáng, chợ đã vãn người. Các thương lái đưa hàng nông sản về các chợ khắp nội, ngoại thành. Nhiều xe tải chở ngược rau, củ, quả về các chợ lớn ở nhiều vùng nông thôn như: Mỹ Đức, Xuân Mai, Sơn Tây, hay về huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) để phục vụ bà con.

Anh Vũ Văn Tân, Tổ trưởng Tổ bảo vệ chợ đêm nông sản Văn Quán nói với phóng viên Hànộimới: Những ngày thường, có khoảng 60 xe tải từ rất nhiều vùng lân cận Hà Nội như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam chở hàng về. Lượng xe chở nông sản tăng dần vào những ngày áp Tết. Dự kiến, những ngày cuối cùng của năm Ất Mùi, số xe chở rau về chợ vẫn tiếp tục tăng và giá cũng nhích nhẹ. Chợ chỉ đóng cửa sau đêm Ba mươi Tết và đến mùng Hai lại hoạt động bình thường. Sau một phiên chợ đêm sôi động, sớm mai ra, dòng người lại hòa với sắc màu rực rỡ của đào, quất, cùng hàng trăm loại hoa đua nhau khoe sắc… xuân đã ở rất gần…

Nhóm phóng viên