Hội nghị các nhà tài trợ cho Syria: Sẻ chia và trách nhiệm
Thế giới - Ngày đăng : 06:31, 06/02/2016
Dù biết rằng khoản tài chính này không thể giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng tại Syria, nhưng theo Thủ tướng Anh David Cameron, thì đây là sự chia sẻ và ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với người dân Syria.
Tại cuộc họp ở London, Anh và các cường quốc đã cam kết hỗ trợ người dân Syria. |
Vừa kết thúc tại thủ đô London sau hai ngày nhóm họp, Hội nghị tài trợ Syria lần thứ tư dưới sự chủ trì của Thủ tướng D.Cameron có sự tham dự của 60 quốc gia, trong đó có 30 lãnh đạo thế giới. Liên minh Châu ÂU (EU), Đức, Anh và Mỹ là những "mạnh thường quân" lớn nhất, chủ yếu trên các lĩnh vực cung cấp thực phẩm, giáo dục và việc làm cho người dân Syria tại chính nước này hoặc các quốc gia lân cận nơi có người Syria tới tị nạn. 10 tỷ USD sẽ được chia ra làm hai giai đoạn, hơn 50% cho năm nay và số còn lại sẽ dành cho giai đoạn 2017-2020. Ngoài cam kết hỗ trợ tài chính, các nhà tài trợ cũng đã đạt được thỏa thuận trước năm 2018 sẽ tạo khoảng 1,1 triệu việc làm cho người di cư gốc Syria và những người Syria sinh sống tại các quốc gia láng giềng, đồng thời đến cuối năm 2017 sẽ tạo điều kiện cho 1,7 triệu trẻ em được tới trường.
Xung đột tại Syria đã buộc 4,6 triệu người phải rời bỏ quê hương để lánh nạn tại các nước láng giềng như Jordan, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Ai Cập. Trong khi đó, hàng trăm nghìn người khác bất chấp hiểm nguy để tìm đến Châu Âu, góp phần tạo ra cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất tại châu lục này kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Trong bối cảnh cuộc đàm phán hòa bình Syria do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ tại Geneva (Thụy Sĩ) bị hoãn tới ngày 25-2 thì cuộc quyên góp lần này đã phần nào đáp ứng được yêu cầu về việc thành lập một quỹ ủng hộ lên tới 7,73 tỷ USD để giúp đỡ người dân Syria. Thêm vào đó là một khoản tiền khác trị giá 1,23 tỷ USD để hỗ trợ các quốc gia trong khu vực bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng di cư.
Năm ngoái, Syria từng kêu gọi các thành viên LHQ viện trợ nhưng đã thất bại khi chỉ nhận được một nửa con số mong muốn với 3,3 tỷ USD thay vì mức cam kết trước đó là 8,4 tỷ USD. Năm nay, số tiền đóng góp đã được cải thiện đáng kể. Một trong những lý do quan trọng cho tiến triển này là cuộc khủng hoảng di cư từ các nước Trung Đông sang Châu Âu. Thế giới nhận ra rằng đây không chỉ vì Syria và các nước láng giềng mà còn là lợi ích của Châu Âu. Xét về dài hạn, giáo dục và việc làm được nhìn nhận là yếu tố cần thiết để ngăn chặn dòng người di cư đến Lục địa già. Thế nên, trước thềm hội nghị, ông D.Cameron đã đề xuất tăng cường thương mại giữa Jordan và EU, đồng thời kêu gọi các nước láng giềng đưa ra mức hạn ngạch đối với nhân công người Syria ở một số khu vực kinh tế nhất định, nhằm tăng khả năng có việc làm cho người Syria.
Trong khi các chính sách mở cửa nhằm tiếp đón hàng trăm nghìn người di cư của Thủ tướng Angela Merkel đang chịu nhiều chỉ trích thì nước Đức đến hội nghị này với mục tiêu quan trọng là phải hạn chế số người di cư đến nước họ. Bộ trưởng Phát triển Đức Gerd Muller mới đây cũng hé lộ với báo giới rằng EU có thể sẽ thành lập một "liên minh việc làm" nhằm tạo ra khoảng 500.000 công việc mới cho người di cư Syria ở Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon. Chính sách này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy khả năng kiếm được việc làm của người di cư ở các nước mà họ đang lưu lại, tránh việc dòng người di cư di chuyển qua các nước EU.
Có thể thấy, dù thành công của hội nghị tài trợ cho Syria không phải là giải pháp cho cuộc nội chiến đang bước sang năm thứ sáu, nhưng ít ra điều này cho thấy thế giới đã thể hiện trách nhiệm cao hơn với người dân nước này, những con người vô tội đã mất mát quá nhiều và đang chật vật đối mặt với một tương lai mờ mịt nơi đất khách.