Đong đầy hương vị Tết
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:25, 06/02/2016
Ngay trước thềm xuân, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp, với nhiều kỳ vọng mới cho sự phát triển bền vững của đất nước. Hàng triệu người dân Việt Nam đã dõi theo và kỳ vọng ở sự kiện trọng đại của đất nước. Có lẽ vậy, nên việc chuẩn bị tết Bính Thân dường như dồn cả vào những ngày cuối năm, cũng vì thế không khí những ngày giáp Tết cũng náo nức, nhộn nhịp hơn so với mọi năm.
Ảnh: Xuân Phú |
Với người Hà Nội, cành đào, cây quất là không thể thiếu trong những ngày vui Tết. Năm nay, xuân về đúng độ lại có đợt rét đủ dài, đủ sâu để "hãm" đào đừng bung sớm. Không khí mua sắm ở các chợ, phố hoa thật hân hoan nhẹ nhàng, ai cũng vui một chút mà dễ một chút, bớt mặc cả bán mua với nụ cười tươi thắm. Ngoài đào, quất thì người dân Hà Nội cũng chẳng thể thiếu các loại hoa, như mẫu đơn, thược dược, cúc, lay ơn, ly, loa kèn… Họa sĩ Văn Dương Thành, nhiều năm đón Tết xa Tổ quốc, năm nay được về Việt Nam, thỏa lòng đi giữa chợ hoa Quảng Bá, chọn cho mình từng bó đẹp nhất, phấn khởi mang về nhà. Với người nghệ sĩ ấy, mua bán là chuyện nhỏ, bởi chị muốn được hòa mình vào không khí Tết. "Tết Hà Nội có hơi xuân, có hương của đất, có vị mặn mòi của quê hương, khác hẳn những thành phố phương Nam ấm áp, khác hẳn với cái giá lạnh khô ráo của các nước phương Tây. Hít hà là đã thấy rung động tâm hồn, dạt dào cảm hứng cầm cọ" - chị Thành cho biết cảm xúc của mình. Rồi chị lại say sưa nói về cách chọn hoa, hoa nào cắm với hoa nào để đặt lên ban thờ, để bày biện bàn trà tiếp khách. "Lạ là hoa loa kèn chỉ trồng ở Hà Nội mới có mùi thơm ngát thôi, lúc vừa mua búp bé vậy nhưng chỉ vài ngày là bung xòe cánh lớn và tỏa hương. Với họa sĩ, cần gì hơn một mô típ như vậy để sáng tác tranh Tết" - chị khẳng định. Ngắm chị, cùng bao người đi giữa những phố hoa ấy, lại nhớ câu hát của Đoàn Chuẩn: "Rừng đào phong kín cánh mong manh hé hoa lòng/Hà Nội chờ đón Tết, hoa chen người đi, liễu rũ mà chi"...
Từ trước Tết, bước xuống phố, mọi người đã gặp nhiều tà áo dài. Từ cụ ông, cụ bà, bố mẹ, đám trẻ nhỏ đến thanh niên đều tự hào khoe áo truyền thống của đất nước mình. Chẳng cần đợi đến Tết, ngày nào có nắng hửng lên là thấy xúng xính áo dài khắp phố phường. Cái "trào lưu" áo dài cách tân - nghĩa là áo may ngắn hơn, dáng suông, rộng rãi, lại có thể phối với đủ loại quần xuất hiện từ 2-3 tháng trước. Với đám thanh niên hay trẻ con thì rất tiện lợi, thể hiện được sự năng động của giới trẻ mà vẫn toát lên hồn dân tộc, nên thấy yêu lắm xu hướng này. Họa sĩ Văn Dương Thành kể rằng, ở nước ngoài không gia đình nào bỏ tết Nguyên đán. Người nước ngoài họ cũng biết đến Tết truyền thống của dân tộc ta, họ cũng muốn chia vui cùng. Và những thứ không thể thiếu dịp này là bánh chưng, dưa hành, giò, nem rán và áo dài truyền thống. Hoa hậu Việt Nam 2010 Ngọc Hân cùng với thương hiệu áo dài của một Việt kiều Mỹ là Lam đã có ý tưởng thực hiện "Dự án áo dài Cơm có thịt". Họ thiết kế những bộ sưu tập áo dài mới dành cho trẻ em và người lớn, với kiểu dáng và chất liệu cách tân để bán, đóng góp hoàn toàn cho quỹ "Cơm có thịt" - một chương trình từ thiện dành cho trẻ em miền núi. Bộ sưu tập của Ngọc Hân có khoảng 20 mẫu, thật bất ngờ vì được liên tục đặt hàng. Hoa hậu vẫn tươi tắn dù rất bận bịu, đặc biệt trong những ngày áp Tết: "Có lẽ là áo dài thiết kế mà giá cả phải chăng, không đắt hơn bộ quần áo mới là mấy, nên Ngọc Hân may mắn được sự ủng hộ" - hoa hậu Ngọc Hân cho biết. Khoác trên mình nét văn hóa truyền thống Việt lại góp phần để trẻ em vùng cao được đón mùa xuân mới ấm no hơn, hẳn ai cũng dễ mở lòng.
Thời buổi mà mạng xã hội đang phát triển, trào lưu mới thường "nóng" trên các diễn đàn mạng trước khi đổ ra phố, đã có những cách chuẩn bị Tết của người Hà Nội rất hiện đại mà không tốn thời gian, nhất là khi nhiều cơ quan, công sở phải đến 28 Tết mới được nghỉ. Ấy là xu hướng rao hàng, đặt hàng, mua sắm qua mạng. Năm nay nhiều người dân đã quan tâm đến chất lượng thực phẩm với yêu cầu "sạch", an toàn hơn. Những lời rao bán bánh chưng gói thủ công truyền thống, đun bếp củi 12-14 tiếng, giò "sạch", rau "sạch", rau hữu cơ, thịt lợn "sạch", gà "chạy bộ", rồi các loại mứt, ô mai tự làm, không sử dụng chất bảo quản, đường hóa học… nhiều hơn và "đắt" hơn. Sự tin tưởng, bảo đảm từ chính người bán, mua với nhau cũng là một lẽ vì sức khỏe, vì tương lai.
Tết thì không thể thiếu cái bánh chưng ngon, dền, vị đậm đà bên cạnh thịt mỡ, dưa hành. Bác tôi đã về quê ăn Tết ở Chương Mỹ (Hà Nội) nhưng cứ nhất định đòi chở lên phố Hàng Gai, xếp hàng trước tiệm bánh chưng truyền thống để mua được một đôi bánh mang về cúng tổ tiên. Cũng là cách giải tỏa sự kỹ tính khi mà nhà cửa chật chội, điều kiện không cho phép để tự gói bánh chưng, luộc mười mấy tiếng bằng bếp củi. Tôi chở bó mùi già về đến đầu ngõ để tối đun nước tắm cho đám trẻ, đã thấy hương mùi nhà ai ngan ngát hư không. Về nhà, mẹ đang làm nem rán, dậy thèm cái vị chua, cay, mặn, ngọt, thơm, giòn ghém cả trong đó thế. Kìa, bố tôi đã đi mua mấy cân muối, dặn mẹ tự san ra từng túi, thắt cái ruy băng xinh xinh. Rồi ông xếp chúng vào một góc, đợi đầu năm "bán" cho các con đem về nhà. Ông bảo: "Bố mẹ già cả rồi, bán cái mặn mòi, đậm đà cho các con một năm mới nhiều dấu ấn". Vị Tết là tình cảm gia đình chứ đâu!
Tối cũng dần sập đến, đám trẻ đã nghỉ học, vui vẻ cùng nhau chơi đùa, đọc bài đồng dao: "Xúc xắc xúc xẻ, năm mới năm me, nhà nào còn thức mở cửa cho chúng tôi". Chúng khoe rằng sẽ được bố mẹ chở ra bờ hồ Hoàn Kiếm, chụp ảnh cùng những ánh đèn trang trí lung linh, những tiểu cảnh trang trí hoa rực rỡ, tươi rói khắp các phố phường, rồi xem biểu diễn văn nghệ và chờ đến lúc giao thừa xem bắn pháo hoa. Vị Tết chẳng là tiếng cười giòn tan của đám trẻ đó thôi!
Nhà nhà cứ đong đầy những hương, những vị như thế. Xuân đã đến bên thềm. Tết đã gõ cửa rồi!