Thị trường hoa Tết: Cây cảnh dồn dập về thành phố

Đời sống - Ngày đăng : 07:02, 05/02/2016

(HNM) - Nếu như đào miền Bắc năm nay bán được giá thì cúc ở miền Nam bị

Ông Phan Thanh Thi (Bến Tre) trên chiếc ghe quất tại Bến Bình Đông, Quận 8.


Vừa vận chuyển hàng trăm chậu đào từ Thái Bình vào Công viên 23-9 (Quận 1, TP Hồ Chí Minh) bán Tết, ông Lê Văn Cương (quê Thái Bình) cho biết, đào năm nay nhìn chung được mùa, hoa nở đều và có giá. Theo ông Cương, do năm nay miền Bắc trời lạnh, thời tiết thích hợp cho đào sinh trưởng, khi vào Nam, gặp thời tiết ấm áp, nắng nhiều giúp đào nở đều, đẹp và đúng vụ.

Hiện ông Cương đang bày bán 35 chậu đào to, có giá từ 15 đến 17 triệu đồng/chậu và 200 chậu nhỏ, có giá 3-5 triệu đồng/chậu. Mức giá trên có tăng so với năm ngoái nhưng nhiều khách đã ghé thăm và không ít người đã đặt mua. Trong khi đó, cũng tại Công viên 23-9, bà Nguyễn Thị Phượng (Gò Công Đông, Tiền Giang) cho biết, hoa cúc ở miền Nam năm nay bông nhỏ và nở không đều. "Nhiều chủ vườn tại Tiền Giang thất thu, chỉ có thể thu hoạch được phân nửa, nhưng bán cũng không được giá vì hoa xấu", bà Phượng nói.

Rảo một vòng quanh các khu chợ hoa tại TP Hồ Chí Minh như Công viên Gia Định, Công viên Hoàng Văn Thụ, khu chợ hoa miền Tây - bến Bình Đông (Quận 8)..., chúng tôi nhận thấy, chủng loại hoa, cây cảnh bán Tết năm nay khá đa dạng như cúc vạn thọ, cát tường, hoa chuông, mai, quất... Ông Phan Thanh Thi (chủ vườn tại Chợ Lách, Bến Tre) có quầy quất cảnh tại bến Bình Đông cho biết, quất năm nay được mùa, nông dân chưa kịp phấn khởi thì nhận ra tiêu thụ khá chậm, giá bán thấp hơn mọi năm. "Có thể do mọi năm quất bán được giá, nên năm nay nhiều chủ vườn trồng, thành ra bị cạnh tranh nhiều, nhiều chủ vườn phải hạ giá", ông Thi phân trần. Ghi nhận cho thấy, nhiều chủng loại hoa khác có nguồn gốc từ Đà Lạt (Lâm Đồng) như hoa ly, lay ơn... cũng tiêu thụ khá chậm.

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, nguồn cung cấp hoa, cây cảnh hiện đang dồn dập đổ về thành phố từng ngày, chủng loại đa dạng, tụ điểm tập kết trải đều khắp từ nội thành ra ngoại thành. Chính vì vậy, theo các nhà vườn cũng như chủ các quầy hoa cảnh, thị trường hoa Tết năm nay sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn so với mọi năm. Ông Trần Đức Hòa, chủ vườn đến từ Đồng Tháp cho biết, làng hoa Sa Đéc - làng hoa lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long - năm nay nhìn chung được mùa, chủng loại phong phú và giá cả cũng rất cạnh tranh. Cũng theo ông Hòa, do giá cả năm nay khá thấp nên nhiều chủ vườn không bán qua thương lái mà trực tiếp thuê xe đưa hoa lên TP Hồ Chí Minh để tiêu thụ.

Tại chợ hoa Bến Bình Đông, đến thời điểm này, dù đã cận kề Tết nhưng người mua khá thưa thớt. Ông Phan Thanh Thi cho biết: "Tôi chở quất từ vườn nhà lên đây bằng ghe để trực tiếp bán cho người dân thành phố, tuy không dám chở nhiều mà bán cũng rất chậm. Cứ đà này nếu thuê xe tải chở lên nguy cơ sẽ bị lỗ. Hy vọng những ngày áp Tết buôn bán sẽ thuận lợi hơn". Trong khi đó, bà Bùi Thị Thu, chủ quầy cúc vạn thọ tại Công viên Hoàng Văn Thụ (Tân Bình) cho biết, vạn thọ là loại hoa phổ biến nhất trong dịp Tết nhưng hiện cũng bán khá chậm dù hoa đẹp và giá cả lại rất cạnh tranh.

Diễn biến thị trường cho thấy, Tết năm nay người dân TP Hồ Chí Minh có nhiều cơ hội được sở hữu hoa, cây cảnh đẹp với giá cả phải chăng. Thị trường càng phong phú, người tiêu dùng càng được lợi. Tuy nhiên, không ít chủ vườn năm nay có thể lại đón Tết trong bùi ngùi bởi nguồn lãi từ trồng hoa không được như mong đợi.

Đường hoa Nguyễn Huệ mở cửa trong 8 ngày

Hôm nay (5-2), đường hoa Nguyễn Huệ sẽ chính thức khai mạc và mở cửa phục vụ người dân tham quan, vui chơi trong 8 ngày Tết. Thời gian bắt đầu từ 19h ngày 5-2 đến 22h ngày 12-2 (tức tối 27 tháng Chạp đến khuya mùng 5 Tết).


Đường hoa Nguyễn Huệ dài 720m, với chủ đề "TP Hồ Chí Minh - Hòa bình, Thịnh vượng và Phát triển", kéo dài từ trước UBND thành phố (đường Lê Thánh Tôn) tới đường Tôn Đức Thắng. Trong đó, đoạn từ giao lộ Lê Lợi - Nguyễn Huệ được chia làm 3 phân đoạn chính: Đoàn kết - Hòa bình, Năng động - Sáng tạo và Hội nhập - Thịnh vượng.


Hà Phạm

Bài, ảnh: Trọng Ngôn