Vì sao mãi bất lực với thực phẩm không an toàn?

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:03, 05/02/2016

(HNM) - Những ngày giáp Tết, các phương tiện truyền thông đưa nhiều tin bài, hình ảnh cơ quan quản lý thị trường và công an trên cả nước phát hiện các cơ sở sản xuất sử dụng chất cấm khi chế biến thực phẩm, bắt giữ xe chở nội tạng động vật ôi thiu mang đi tiêu thụ.



Tuy nhiên, không vì thế mà trấn an được người tiêu dùng và kêu ca, phàn nàn của các bà nội trợ vẫn là câu chuyện hằng ngày. Bắt giữ rồi xử phạt nhưng tại sao vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) không giảm? Rõ ràng có chuyện gì đó không ổn.

Có thể nói trong những năm qua, báo chí làm rất tốt công tác tuyên truyền về ATTP, điều đó làm cho nhà sản xuất, người buôn bán và xã hội hiểu rõ hơn tác hại của thực phẩm không an toàn đối với sức khỏe, tính mạng con người và giống nòi Việt Nam. Khi làm tốt công tác tuyên truyền mà vi phạm vẫn tái diễn thì hẳn là luật có vấn đề. Rõ nhất là những vi phạm có tính hệ thống, quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng như sản xuất thức ăn chăn nuôi đã sử dụng chất cấm thì chế tài vẫn chưa đủ mạnh. Theo Khoản 2, Điều 17 Nghị định 178/2013/NĐ-CP "Quy định về xử phạt vi phạm hành chính về ATTP", mức xử phạt với thực phẩm có nguồn gốc động vật trên cạn bị ôi thiu, bốc mùi sẽ bị phạt 100-120% giá trị hàng hóa tại thời điểm phạt và mức phạt không quá 100 triệu đồng. Tuy nhiên, lái xe chỉ khai chở thuê nên cơ quan chức năng không biết ai là chủ lô hàng do vậy chỉ có thể tiêu hủy, không thể phạt tiền.

Bức xúc về ATTP, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã kiến nghị với Quốc hội, coi chất cấm trong chăn nuôi như ma túy, sử dụng chất cấm là tội ác, đồng thời đề nghị bổ sung hành vi sử dụng chất cấm là một tội ác cần phải truy tố theo Luật Hình sự. Trên thực tế, một số vi phạm về vệ sinh ATTP đã được quy định trong Bộ luật Hình sự. Điều 244 có đề cập đến người chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng nhưng vẫn cố tình đưa ra thị trường sẽ bị truy tố. Song, chứng minh khái niệm "biết rõ" rất khó vì chủ cơ sở sản xuất, người buôn bán dù biết rõ họ vẫn sẽ chối nên không dễ khép tội họ. Còn khái niệm gây hậu quả "nghiêm trọng", "rất nghiêm trọng" hay "đặc biệt nghiêm trọng" lại không được giải thích rõ ràng. Với mặt hàng thực phẩm, nếu cơ sở sản xuất vi phạm thì hậu quả để lại cũng chưa chắc đã rõ và cũng chưa thể xác định được ngay, nhất là các chất cấm tồn dư có khi tích tụ trong cơ thể hàng chục năm mới phát bệnh, như vậy làm sao xác định được là "nghiêm trọng", "rất nghiêm trọng", "đặc biệt nghiêm trọng"? Đây chính là những khó khăn khiến xử lý vi phạm về vệ sinh ATTP mới dừng lại ở xử phạt hành chính.

Đối với người tiêu dùng, vi phạm quyền lợi nhiều nhất đối với họ chính là thực phẩm. Thế nhưng nghịch lý là các vụ khiếu nại, tố cáo về thực phẩm lại luôn đứng cuối trong số các vụ việc liên quan đến người tiêu dùng và nếu có, chủ yếu là những vụ liên quan đến thực phẩm đóng gói. Còn thực phẩm ôi thiu, tồn dư kháng sinh, rau quả chứa chất bảo quản, rau tồn dư thuốc bảo vệ thực vật… là những vi phạm phổ biến thì hầu như không có vụ khiếu kiện nào. Lý do là ở chợ truyền thống không có hóa đơn mua bán nên khi xảy ra chuyện muốn kiện cáo đòi bồi thường cũng không có chứng cứ. Và ngay cả khi có chứng cứ nhiều người cũng ngại ra công đường vì mất thời gian, sợ các thủ tục nhiêu khê.

Nếu chỉ xử phạt hành chính, không xử phạt được bằng Bộ luật Hình sự thì vi phạm ATTP sẽ còn tái diễn. Theo các chuyên gia luật, với ATTP, chỉ cần có dấu hiệu của hành vi phạm tội là đủ yếu tố cấu thành tội phạm chứ không cần phải xảy ra hậu quả mới xử lý hình sự. Bên cạnh sửa luật rất cần sự tố cáo của người tiêu dùng khi bị xâm hại mới mong hạn chế tình trạng thực phẩm mất an toàn.

Thủy Tiên