Triển lãm tranh "Thân": Cuộc hội ngộ nhiều cảm xúc
Văn hóa - Ngày đăng : 07:01, 04/02/2016
Các họa sĩ trong triển lãm “Thân”. Ảnh: Lê Bích |
Trong giới họa sĩ, mỗi người đều ít nhiều vẽ một hoặc một vài con vật thuộc 12 biểu tượng của vòng tuần hoàn thập nhị địa chí. Trong giới kể rằng, thói quen rộ lên từ họa sĩ bậc thầy Nguyễn Tư Nghiêm, coi vẽ con giáp mỗi năm để kỷ niệm, cũng là thể hiện nguyện vọng, tâm tư của mình trước thềm năm mới. Nổi bật trong tranh giáp có họa sĩ Lê Trí Dũng vẽ ngựa, Đinh Công Đạt vẽ dê, Lê Đình Nguyên có mấy triển lãm điêu khắc về trâu. Đỗ Phấn âm thầm nhưng tranh dê và khỉ của ông mấy năm gần đây rất được yêu thích.
Cũng bởi thế, nên nhóm họa sĩ G39 năm nào cũng gặp gỡ nhau để "khoe" tranh giáp. Họa sĩ Lê Thiết Cương, đại diện nhóm cho biết: "Vẽ tranh con vật biểu tượng là một cái cớ hay, gợi cảm, gợi hứng cho tâm trạng giao niên, năm hết Tết đến, tiễn cũ đón mới. Đó cũng là một tục lệ đẹp của các họa sĩ mà chưa chắc các ngành nghệ thuật khác đã dễ gì có được". Cuộc hội tụ chủ đề "Thân" năm nay có 15 họa sĩ, cùng chung đề tài "Thân - Khỉ". Tuy chất liệu mỗi người mỗi khác, nhưng nét tinh nghịch, vui vẻ, sảng khoái đều toát lên trong từng bức tranh, tỏa đậm không gian trưng bày. Các họa sĩ đều bày tỏ, mình rất hào hứng phóng cọ với con vật này, bởi hình ảnh con khỉ/vượn rất gần gũi với người.
Hai bức của Nguyễn Quốc Thái "Khỉ vàng" và "Bính Thân" sử dụng gam màu tươi và đậm khắc họa, cho thấy sự tinh anh của loài khỉ. Bộ 3 tranh khổ nhỏ với tạo hình lập thể của Nguyễn Hồng Phương thể hiện những chú khỉ ngộ nghĩnh, hóm hỉnh. Bộ "Sự kiêu hãnh của bầy khỉ" Ngô Bình Nhi vẽ arcrylic trên toan gợi sự trầm ổn. Tào Linh thể hiện sở trường vẽ mực tàu giấy dó, chỉ vài nét phóng nhưng hình ảnh khỉ đã đầy sức gợi và biểu cảm. Lê Thiết Cương cũng chọn thể hiện sở trường vẽ mặt nạ với 4 mặt khỉ sắc màu tươi sáng và đường nét thuần Việt.
Ngoài ra, anh còn tạo hình khỉ trên 5 đĩa gốm tạo nên nét riêng giữa các bức tranh trong triển lãm. Bức "Mẹ con" của Hoàng Phương Liên sử dụng phương pháp xé giấy với màu đỏ chủ đạo trên nền vàng, khiến người xem thấy ấm áp và thân thương. Phạm Trần Quân sử dụng chất liệu bột màu trên báo cũ - phổ biến những năm 80, 90 của thế kỷ trước, cộng với màu hồng xác pháo, gợi nhiều ký ức về thời bao cấp. Cùng chất liệu ấy, bộ "Cụ khỉ ông", "Cụ khỉ bà" của Nguyễn Nghĩ Cương lại đem đến sự viên mãn pha chút hóm hỉnh mừng Xuân mới tuổi mới… Đặc biệt là bức tranh chung của các họa sĩ tham gia triển lãm, được vẽ ngay tại buổi khai mạc có tên "Chào Bính Thân 2016", thì mỗi người lại thể hiện một nét cá tính riêng ấy trên một đề tài "Thân" mà như họa sĩ Lê Thiết Cương cảm nhận: "Hình thân, mầu thân, kiểu thân riêng, riêng mà vẫn thấy chung, là sự hội tụ và lan tỏa".
Ngoài triển lãm trên, không ít họa sĩ cũng vẽ tranh khỉ đón năm Bính Thân, nhưng công bố ở không gian khác như trên trang mạng hoặc dành để bạn bè, người thân thưởng lãm. Chẳng hạn như Đỗ Phấn, giống như bộ tranh dê ông vẽ năm ngoái, được công chúng thích thú, thì năm nay ông cũng vẽ hơn 40 bức tranh khỉ. Có lẽ cũng bởi Bính Thân là năm tuổi của nhà văn, họa sĩ Đỗ Phấn, nên ông vẽ có phần sung hơn, nhiều sắc thái, để thể hiện tâm tư của mình.
Tranh Đỗ Phấn phần lớn sử dụng chất liệu giấy dó, đậm truyền thống, nhưng hình thể và biểu cảm tươi vui, linh hoạt, hiện đại vẫn có nét bứt phá. Ngắm bộ tranh khỉ này rất đa dạng, khi là cả bầy đông đảo, khi là một gia đình ấm cúng, khi là đôi lứa yêu đương hờn giận, lúc chỉ một chú khỉ tinh nghịch leo trèo, lúc là bà mẹ đang mang thai đầy viên mãn, lúc khác là cô khỉ yểu điệu… Ngập tràn sự trải nghiệm là cái mà một người vừa làm việc với con chữ, vừa vẽ tranh như Đỗ Phấn có được.
Triển lãm "Thân" còn diễn ra đến hết ngày 26-2.