Iowa - Bệ phóng và mồ chôn giấc mơ tổng thống Mỹ
Xã hội - Ngày đăng : 07:00, 04/02/2016
Mỹ giành được số phiếu bầu cao nhất của mỗi đảng trong cuộc bỏ phiếu kín ở bang Iowa. Ảnh: People |
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 bắt đầu nóng lên từ hôm 1/2, khi cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều tổ chức các cuộc bỏ phiếu kín ở bang Iowa nhằm phục vụ quá trình đánh giá, chọn lựa người đại diện của mỗi đảng chạy đua vào Nhà Trắng.
Với 49,9% phiếu bầu, bà Hillary Clinton giành chiến thắng sít sao trong đảng Dân chủ. Ông Bernie Sanders xếp ở vị trí thứ hai với số phiếu ủng hộ chỉ thấp hơn 0,3%. Ở phía đảng Cộng hòa, thượng nghị sĩ Ted Cruz là người vượt qua tất cả các ứng viên khác với 27,6% lượt người ủng hộ.
Theo số liệu thống kê, người trở thành tổng thống Mỹ thường là một trong hai chính trị gia dẫn đầu cuộc bầu cử sơ bộ ở Iowa. Hồi năm 2008, với 38% số phiếu bầu, ông Barack Obama là ứng viên đảng Dân chủ được cử tri ủng hộ nhiều nhất ở Iowa. Ông sau đó đắc cử, trở thành tổng thống Mỹ.
Cũng với kịch bản tương tự, ông George W. Bush năm 2000 trở thành lãnh đạo Nhà Trắng sau khi đánh bại các ứng viên đảng Cộng hòa, chiến thắng ở bang Iowa với 41% phiếu bầu.
Không ít người miêu tả bang Iowa là mảnh đất nuôi dưỡng nhưng cũng là nơi chôn vùi giấc mơ tổng thống Mỹ.
Bệ phóng
Năm 2008, Iowa là bang đóng vai trò trung tâm trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Obama. David Plouffe, người chịu trách nhiệm quản lý chiến dịch, từng tuyên bố chiến lược mà ông theo đuổi chỉ gói gọn trong câu "chiến thắng ở Iowa hoặc không gì cả", theo AFP.
Vào một ngày mùa đông năm 2007, tại thành phố Des Moines, bang Iowa, ông Obama phát động chiến dịch tranh cử. Và cũng chính ở bang này 5 năm sau đó, ông tổ chức buổi lễ mít tinh cuối cùng trong chiến dịch vận động tái tranh cử của mình.
Chiến thắng của ông Obama có nhiều điểm tương đồng với thành công mà cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter đạt được trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 1976. Như lời giới quan sát khi đó nhận xét, ông Carter đã đi từ một người không ai biết đến để trở thành chính trị gia được bầu nhiều nhất trong cuộc bỏ phiếu kín của đảng Dân chủ ở Iowa.
Ông Carter dùng Iowa làm sân khấu để tự giới thiệu bản thân và vươn lên thành một người mà ai cũng biết tới, Steffen Schmidt, giáo sư chính trị tại Đại học bang Iowa, nhận định.
"Cơ hội thành công của ông ấy lúc đó rất hiếm hoi bởi ngoài kia còn rất nhiều ứng viên nổi tiếng khác của đảng Dân chủ", ông Schmidt nói.
Song, ông Carter dường như đã dành hết tâm huyết để chinh phục cử tri ở Iowa. Ông xuất hiện tại hầu hết các lễ khai trương, tham dự những buổi chiêu đãi, tổ chức các buổi phát biểu trên toàn bang.
"Ông ấy làm việc rất chăm chỉ, đi đến khắp các ngõ ngách của bang. Ông còn đem cả gia đình mình theo", Schmidt cho hay.
Cánh cửa đóng
Dù là bệ phóng đối với sự nghiệp của không ít chính trị gia nhưng thành công ở Iowa không phải lúc nào cũng mang đến chiến thắng chung cuộc dành cho các ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng.
Điều này đặc biệt đúng với những ứng viên đảng Cộng hòa. Trong 4 thập kỷ, ông George W. Bush là chính trị gia thuộc đảng Cộng hòa duy nhất giành thắng lợi ở Iowa sau đó đắc cử tổng thống Mỹ.
Nhưng điều mà Iowa chắc chắn làm được đó là góp phần sàng lọc các ứng viên, bình luận viên Andrew Beatty từ AFP đánh giá. Vì là bang đầu tiên của nước Mỹ tiến hành bỏ phiếu sơ bộ nên sự quan tâm của dư luận dành cho Iowa là vô cùng lớn.
Kết quả bỏ phiếu ở Iowa là dấu hiệu đầu tiên cho thấy tính hiệu quả của những chiến dịch tranh cử cùng sự mưu trí cũng như tinh thần thép của các ứng viên.
Nhiều người cho rằng "chỉ có ba tấm vé ở Iowa" dành cho mỗi đảng nên ứng viên xếp vị trí thứ 4 về số phiếu bầu sẽ rất khó nắm trong tay cơ hội trở thành đại diện của đảng ra tranh cử.
Thượng nghị sĩ John McCain từ đảng Cộng hòa đến nay là người duy nhất vẫn có thể trở thành người đại diện cho đảng tranh cử tổng thống dù không đứng ở ba vị trí đầu tiên trong cuộc bỏ phiếu kín ở Iowa.
Quan trọng hơn cả, xếp vị trí thứ 4 tại Iowa cũng đồng nghĩa với việc đánh mất một lượng đáng kể các nguồn tài trợ cũng như sự quan tâm của dư luận.