Cần sự ủng hộ của người tiêu dùng
Kinh tế - Ngày đăng : 06:46, 04/02/2016
Thực trạng đáng báo động được Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội phản ánh tại buổi giám sát của Ban Pháp chế HĐND thành phố về phòng chống buôn lậu, chống hàng giả, gian lận thương mại tháng 1-2016.
Tổ công tác liên ngành số 1 Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội kiểm tra cơ sở sản xuất hàng giả mạo thương hiệu nổi tiếng. Ảnh: Quang Tấn |
Theo Chi cục QLTT Hà Nội, ngoài hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, tình hình vận chuyển, buôn bán, sản xuất hàng hóa vi phạm ATVSTP cũng khó kiểm soát. Đầu tháng 1-2016, các đội QLTT TP Hà Nội đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kiểm soát chặt chẽ tại các địa bàn, nhất là các tuyến đường từ cửa khẩu vào nội địa, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, nhằm phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc; đồng thời, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp nhập khẩu và các cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo, bia, rượu, nước mắm, nước giải khát...
Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội Nguyễn Công San cho biết, với sự tập trung thực hiện của 33 đội QLTT (3 đội cơ động, 30 đội các quận, huyện, thị xã), đến nay, nguồn hàng liên quan đến ATVSTP trong các cơ sở sản xuất tại địa bàn thành phố đã cơ bản được kiểm soát, nhất là nguồn thực phẩm bẩn, nhập lậu từ Trung Quốc. Tại các siêu thị, các đội trinh sát cũng đã tăng cường bám sát, phối hợp kiểm tra chất lượng hàng hóa đưa vào các siêu thị bảo đảm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, theo cơ quan QLTT, khó kiểm soát nhất hiện nay vẫn là các chợ cóc, chợ tạm do lực lượng của ngành mỏng. Chính vì vậy, rất cần sự vào cuộc của chính quyền cơ sở và quận, huyện. Thời gian qua, các xã, phường, thị trấn cũng đã vào cuộc, nhưng hiệu quả thực sự vẫn chưa được như mong muốn. Trong khi đó, trên địa bàn Thủ đô có hàng trăm chợ cóc, chợ tạm hoạt động với số lượng hàng hóa lớn, nhất là các mặt hàng thực phẩm.
Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cho rằng, thực tế vấn đề chống hàng giả, gian lận thương mại hay kiểm soát thị trường ATVSTP mới chỉ có cơ quan chức năng là lực lượng QLTT và một số cơ quan chuyên môn thuộc Sở Y tế, Sở NN&PTNT thực hiện; hệ thống chính quyền, ngành chức năng cấp xã, phường, quận, huyện chưa phát huy hiệu quả. Thời gian qua, việc phối hợp giữa các ngành chức năng của thành phố với chính quyền địa phương trong việc tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 thành phố, hiệu quả còn ở mức độ vừa phải. Các công việc kết nối, trinh sát, thực hiện được kết quả thời gian qua hầu như chỉ do lực lượng QLTT. Chính vì thế, trước, trong và sau tết Nguyên đán Bính Thân, Ban Pháp chế HĐND thành phố đề nghị các ngành, địa phương, cơ sở hợp tác, tăng cường thông tin, kiểm soát thị trường, công bố các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh buôn bán gian lận thương mại, trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm ATVSTP để người tiêu dùng phòng ngừa, tẩy chay, đạt được mục tiêu cuối cùng là bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Cùng với sự ra quân của lực lượng chức năng, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, công tác chống hàng cấm, hàng giả... rất cần sự ủng hộ của người tiêu dùng. Người tiêu dùng không nên vì rẻ mà mua, sử dụng hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hàng hóa chưa kiểm định, kiểm dịch của cơ quan chức năng, nhằm bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng.