Sức nóng từ những gương mặt mới
Văn hóa - Ngày đăng : 06:55, 03/02/2016
Các tác giả đoạt giải (từ trái sang: nhà văn Nguyễn Thế Quang, nhà phê bình Lê Hồ Quang, nhà văn Trần Thanh Cảnh) trò chuyện với đồng nghiệp trong lễ trao giải. |
Trong khi Giải thưởng tiểu thuyết 5 năm qua không có giải A thì mùa giải 2015 của Hội Nhà văn Việt Nam được xem là bội thu với 7 tác phẩm về đích ở các thể loại. Đáng chú ý, lần trao giải này xuất hiện nhiều gương mặt mới, thậm chí có các tác giả lần đầu xuất hiện hoặc chưa phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Giải thưởng tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 4 (2011-2015) tìm được 12 tác phẩm để trao giải, nhưng chỉ có 3 giải B và 9 giải C. Đây là quyết định có sự thống nhất cao của Hội đồng xét giải. 172 tác phẩm dự thi, 17 tác phẩm vào chung khảo có đề tài phản ánh hết sức đa dạng, phong phú, được xem như một đột phá mới so với các cuộc thi tiểu thuyết trước đó. Viết về đề tài chiến tranh có "Mảnh vỡ của mảnh vỡ", "Vùng sâu", "Miền hoang"; về đề tài lịch sử có "Chim ưng và chàng đan sọt", "Ngược mặt trời"...; về đề tài đương đại có "Người thứ hai", "Bác sĩ Trưởng khoa"...
Tuy nhiên, việc không có giải A cho thấy tiểu thuyết Việt Nam mới thành công ở bề rộng, chưa thành công ở chiều sâu. Dẫu vậy, cũng cần ghi nhận những nét mới, đáng chú ý. Ba cuốn tiểu thuyết giành giải B gây ấn tượng mạnh mẽ cho Hội đồng xét giải gồm: "Người thứ hai" của Tô Hải Vân; "Chim ưng và chàng đan sọt" của Bùi Việt Sĩ, "Mảnh vỡ của mảnh vỡ" của Vĩnh Quyền. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh cho hay, với "Người thứ hai" của Tô Hải Vân, cho đến phút chót các thành viên Hội đồng xét giải mới phát hiện ra thông điệp thực sự, ý nghĩa của tác phẩm. Cũng như vậy, nhiều cây bút từng có mấy chục năm cầm bút, nay xuất hiện trong mùa giải này cũng cho thấy khả năng tự làm mới mình như "Vùng trời" của Tô Nhuận Vỹ.
Trong khi đó, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2015 với 7 tác phẩm văn xuôi, thơ, lý luận phê bình, văn học dịch lại tạo nên nhiều bất ngờ khi phát hiện, tôn vinh nhiều gương mặt hoàn toàn mới. Như Trần Thanh Cảnh, tác giả đoạt giải văn xuôi với tập truyện ngắn "Kỳ nhân làng ngọc" chưa từng dự một trại viết văn nào của Hội, cũng chưa phải hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Khi "Kỳ nhân làng ngọc" được NXB Trẻ phát hành đầu năm 2015, trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, tác giả, vốn là dược sĩ, cho biết ông mới viết văn từ năm 2013 với những "nguyên mẫu" gần gũi ở làng quê ông.
Đặc biệt, ông xoay ra viết văn chính trong khoảng thời gian công việc trở nên bế tắc, khó khăn... "Kỳ nhân làng ngọc" dù còn "dấu vết" của người viết mới vào nghề nhưng vẫn toát lên một sức cuốn hút lớn, một sự hấp dẫn tự nhiên của những thân phận con người kỳ lạ mà gần gũi. Trong lĩnh vực lý luận phê bình, nữ giảng viên Đại học Vinh (Nghệ An) với cái tên "lạ" Lê Hồ Quang, cho biết chị bất ngờ vì tác phẩm phê bình đầu tay mang tên "Âm thanh của tưởng tượng" giành giải. Lê Hồ Quang hiện cũng chưa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Cũng mùa giải này, người trong nghề còn gặp một tác giả vốn là giáo viên cấp III ở Nghệ An - thầy Nguyễn Thế Quang (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam 2014) với cuốn tiểu thuyết lịch sử "Thông reo ngàn hống" về nhân vật lịch sử độc đáo Nguyễn Công Trứ. Đây mới là tác phẩm thứ hai của thầy Quang sau cuốn tiểu thuyết viết về Đại thi hào Nguyễn Du.
Sự xuất hiện của những gương mặt mới, cũng như những yếu tố mới trong những cây bút đã thành danh là dấu hiệu đáng chú ý nhất đối với các mùa giải văn học. Tuy nhiên, đúng như nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh, không phải trao giải xong là xong, tới đây tác phẩm đoạt giải phải được thảo luận, truyền thông rộng rãi, sôi nổi hơn. Thậm chí, Hội sẵn sàng tìm nguồn tài trợ nhằm chuyển thể tác phẩm văn học hay lên màn ảnh rộng, lan tỏa các giá trị tác phẩm qua nghệ thuật thứ bảy.